Luật số 63/2025/QH15: Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ

Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Chính phủ số 63/2025/QH15 ngày 18/2/2025, trong đó quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Vị trí, chức năng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ, cơ quan ngang Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ

1. Tham dự phiên họp Chính phủ và tham gia giải quyết công việc chung của tập thể Chính phủ; tham gia biểu quyết tại phiên họp Chính phủ, cùng tập thể Chính phủ quyết định vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

2. Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về công việc của Chính phủ và công việc khác có liên quan; chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao.

3. Thực hiện công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được Chính phủ phân công hoặc Thủ tướng Chính phủ ủy quyền. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật, việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công.

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.

Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ

1. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

2. Thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý; giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, tạm đình chỉ công tác, cách chức, cho từ chức đối với Thứ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý.

2. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công; ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công theo quy định của pháp luật.

3. Lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật; chỉ đạo đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt, nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

4. Quyết định theo thẩm quyền vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ mà mình là người đứng đầu theo quy định của pháp luật.

5. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; giải trình về những vấn đề Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý.

6. Hướng dẫn và kiểm tra, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công; kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do cơ quan đó ban hành trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc của Bộ, cơ quan ngang Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

8. Đề nghị Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với văn bản về ngành, lĩnh vực được phân công. Nếu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không chấp hành thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Bộ, cơ quan ngang Bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.

Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ

Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về nhiệm vụ được phân công.

Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không quá 05, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06, trừ trường hợp do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền.

Luật Tổ chức Chính phủ số 63/2025/QH15 có hiệu lực từ 1/3/2025.

Về điều khoản chuyển tiếp Luật nêu rõ, trong thời gian cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phù hợp với quy định của Luật này thì các quy định của pháp luật hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được tiếp tục thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/luat-so-63-2025-qh15-nhiem-vu-va-quyen-han-cua-bo-truong-thu-truong-co-quan-ngang-bo-119250224110013028.htm
Zalo