Luật nhập cư lao động lành nghề của Đức: Cơ hội cho lao động Việt Nam (Kỳ cuối)
Thiếu hụt lao động ngành nghề trong nhiều lĩnh vực tại Đức mở ra cơ hội mới cho lao động Việt Nam, song tận dụng cơ hội này ra sao là không hề đơn giản.
Luật mới được áp dùng sẽ tạo điều kiện cho lao động Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Đức. (Ảnh minh họa: Lễ hội người Việt tại Đức. (Nguồn: TTXVN)
Theo giới chuyên môn, Luật chưa đáp ứng hoàn toàn mong muốn của nhà tuyển dụng Đức và giải quyết triệt để thách thức hiện nay. Tuy nhiên, Luật đã đưa ra một số điểm mới đáng chú ý như: Thống nhất định nghĩa về đối tượng được coi là lao động lành nghề, bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học và học nghề chất lượng cao; Bãi bỏ quy định kiểm tra ưu tiên lao động nội địa; Bãi bỏ hạn chế đối với một số ngành nghề hiếm; Quy định điều kiện cho lao động chất lượng cao, phù hợp với quy định hiện hành đối với những người đã tốt nghiệp đại học, có thời gian để tìm việc ở Đức (có trình độ tiếng Đức và tự bảo đảm cuộc sống) và tạo điều kiện cho học sinh nước ngoài nâng cao tay nghề tại Đức.
Nhiều cải tiến mới
Đầu tiên, theo Luật đối tượng được coi là lao động lành nghề và là đối tượng áp dụng Luật gồm người nước ngoài, trừ những người có cư trú hợp pháp tại Liên minh châu Âu (EU), Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ, do họ hưởng quy chế tự do đi lại và tìm việc làm trong EU, đã có chứng chỉ học nghề/tốt nghiệp đại học của Đức hoặc nước thứ ba được công nhận tương đương.
Về nguyên tắc, Luật áp dụng cho công dân tất cả các nước, nhưng Bộ Nội vụ Liên bang, sau khi thống nhất với Hội đồng Liên bang, có thể quy định chưa hoặc không áp dụng đối với một số nước nhất định, đặc biệt với nước có nhiều công dân sang Đức học tập làm việc, nhưng không hồi hương mà nộp đơn xin tị nạn.
Thứ hai, Luật cũng bãi bỏ quy định ưu tiên lao động nội địa. Trước đây, với nhiều ngành nghề, khi xét cấp phép nhập cảnh hoặc giấy phép lao động, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xem có công dân Đức hay EU khác cùng xin việc này không; nếu có, họ sẽ được ưu tiên.
Bãi bỏ quy định này sẽ tạo cơ hội công bằng cho lao động từ nước thứ ba. Tuy nhiên, số ít ngành nghề, khu vực nhất định hay trường hợp học nghề vẫn áp dụng quy định ưu tiên. Người nước ngoài chỉ được cấp thị thực nhập cảnh nếu chứng minh rằng có thể tự chủ tài chính để bảo đảm cuộc sống của bản thân và thân nhân.
Thứ ba, theo Luật mới, việc cấp thị thực học nghề sẽ thuận lợi hơn. Trước đây, để được cấp thị thực học nghề ở Đức, học sinh phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo về tiếng Đức: Với đa số ngành nghề, họ cần có bằng B1 trở lên. Riêng ngành điều dưỡng yêu cầu bằng B2; số ít ngoại lệ có thể được cấp thị thực sau khi có bằng B1, nhưng khi sang Đức phải học và đạt chứng chỉ B2 (đã có hợp đồng đào tạo tiếng Đức lên trình độ B2).
Theo Luật về ngành điều dưỡng có hiệu lực từ ngày 1/1 và Luật về nhập cư lao động lành nghề có hiệu lực từ 1/3, điều kiện ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, học sinh học nghề sẽ chỉ được cấp thị thực sang Đức nếu đã ký thỏa thuận đào tạo/học nghề với đơn vị đào tạo hay doanh nghiệp Đức. Thông tin về việc được cấp thị thực học nghề nếu có bằng A2 tiếng Đức đã gây nhiều hiểu lầm và tranh cãi, ngay cả ở Đức. Đa số cơ sở đào tạo điều dưỡng vẫn yêu cầu học viên phải có bằng B1 hoặc B2 tiếng Đức.
Cơ hội cho học sinh học nghề Việt Nam
Vốn đánh giá tốt từ kinh nghiệm trước đây với lao động Việt Nam, Đức tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác từ phía Việt Nam.
Ngày 1/7/2015, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức và Bộ Lao động và thương binh xã hội Việt Nam đã ký “Ý định thư chung” về tuyển chọn và đưa lao động Việt Nam sang Đức. Tháng 7/2017 tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklenburg-Vorpommern (MV) Harry Glawe đã ký Ý định thư về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế. Những thỏa thuận này đã tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác đào tạo, đưa học sinh học nghề và lao động Việt Nam sang Đức.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký và Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklenburg-Vorpommern (MV) Harry Glawe ký Ý định thư về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế vào tháng 7/2017 tại Berlin. (Nguồn: Báo Giáo dục)
Mới đây, năm 2019, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh xã hội, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Môi giới Lao động Nước ngoài (ZAV) thuộc Cục Việc làm (BA) Đức đã ký Thỏa thuận đưa điều dưỡng viên sang Đức. Bang MV và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng ký Ý định thư và Thỏa thuận cụ thể về đào tạo và tuyển chọn học sinh điều dưỡng sang bang MV vào năm 2017 và 2019.
Dù không phải bang mạnh về kinh tế và chịu chung tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành điều dưỡng như các bang khác, nhưng bang MV đã có bước đi quyết liệt và có tính bền vững, lâu dài. Để tạo sự tin tưởng nơi phụ huynh và học sinh lựa chọn sang học nghề ở Đức, Bộ Kinh tế bang đã ký văn bản hợp tác với chính quyền địa phương ở Việt Nam, bảo đảm 100% đầu ra cho học sinh tốt nghiệp B2 tiếng Đức.
Khi học xong B1, bang sẽ ký với học sinh thỏa thuận học/dạy nghề, hỗ trợ một phần chi phí học lên B2. Học sinh đỗ B2 sẽ được nhận ngay sang học nghề với ưu đãi và đối xử bình đẳng như người Đức. Không những được học nghề miễn phí, học sinh Việt Nam còn được hỗ trợ trang trải cho cuộc sống, được đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ mua sắm đồ dùng ban đầu.
Cơ sở đào tạo cũng cử người giúp học sinh học nghề Việt Nam mới sang và trong suốt quá trình học tập. Học sinh tham gia các khóa học hội nhập và khi tốt nghiệp, họ được nhận ngay vào làm việc ở cơ sở đào tạo đó hoặc nơi khác. Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế tại Schwerin cũng lập riêng bộ phận theo dõi, hỗ trợ công tác đào tạo học sinh Việt Nam. Nhân viên bộ phận cùng các cơ sở đào tạo thường xuyên giữ liên lạc với học sinh trước và trong thời gian học tiếng, làm việc tại bang. Họ cũng thường xuyên hợp tác với đơn vị phái cử, cơ quan chức năng Việt Nam và cơ sở đào tạo, dạy nghề Đức để bảo đảm học sinh Việt Nam được đối xử bình đẳng, hưởng các chế độ như học sinh Đức, xử lý vấn đề phát sinh.
Trung tâm ngoại ngữ và dạy nghề Hà Tĩnh (TTMV Hà Tĩnh) là kết quả của hợp tác song phương giữa bang MV và tỉnh Hà Tĩnh. Dù mới tuyển sinh tháng 8/2019 và khai trương chính thức tháng 11/2019, nhưng sau chỉ nửa năm, TTMV đã có hơn 200 học sinh nhập học, từ mọi miền đất nước cùng đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, yêu nghề, trong đó có 8 giáo viên Đức. Đến nay, TTMV là đối tác duy nhất của bang Mecklenburg-Vorpommern tại Việt Nam nhận ủy thác đào tạo tiếng Đức đến trình độ B2 để học nghề tại Đức. TTMV cũng được lãnh đạo và các sở ban ngành địa phương quan tâm, hỗ trợ tích cực.
Trung tâm TTMV Hà Tĩnh. (Nguồn: Facebook TTMV Hà Tĩnh)
Với kết quả này, thời gian tới, hy vọng rằng hợp tác đào tạo lao động song phương sẽ mở rộng trong nhiều lĩnh vực khác như một số ngành nghề thủ công, nhà hàng, khách sạn, quản lý du lịch, cơ khí, điện tử… chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.
Tranh thủ lợi thế cạnh tranh, thuận lợi từ các quy định pháp luật mới của Đức sẽ đòi hỏi sự đồng hành sát sao của các cấp chính quyền cùng quyết tâm học tập nghiêm túc của học sinh. Với những thế hệ cha anh từng sinh sống, học tập và lao động ở Cộng hòa Dân chủ Đức, hình ảnh nước Đức vẫn luôn trong trái tim họ. Kiến thức, kinh nghiệm, tác phong chuyên nghiệp chuyên nghiệp và kỷ luật là phẩm chất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam.
Nếu tận dụng tốt cơ hội này, 10 năm tới, Việt Nam sẽ có lực lượng lao động lành nghề tại Đức, đóng vai trò cầu nối cho quan hệ giữa nhân dân hai nước và trở thành lực lượng nòng cốt trong quá trình dựng xây quê hương, đất nước một khi trở về.