Luật Nhà giáo tạo đột phá trong phát triển đội ngũ giáo viên

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sáng 28/9, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.

Tờ trình nêu rõ, việc ban hành Luật Nhà giáo tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đột phá cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật Nhà giáo xây dựng 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo, Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, Quản lý nhà nước về nhà giáo. Với cấu trúc 09 chương, 71 điều.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Đây là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh của nhà giáo công lập.

Có ý kiến cho rằng, việc giao Chính phủ quy định thang, bảng lương và nội dung liên quan đến tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo tại khoản 4 có thể dẫn đến cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.

Cũng có đại biểu băn khoăn về quy định quyền được từ chối thực hiện công việc không đúng vị trí việc làm và hợp đồng đã ký kết với cơ sở giáo dục sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, quản trị, điều hành hoạt động chuyên môn của nhà trường, nhất là đối với các trường phổ thông hiện đang triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Phan Hằng - Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/luat-nha-giao-tao-dot-pha-trong-phat-trien-doi-ngu-giao-vien-237653.htm
Zalo