Luật mới quy định 'biện pháp xử lý chuyển hướng' với người chưa thành niên phạm tội

Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định người chưa thành niên được đưa vào trường giáo dưỡng ngay từ giai đoạn điều tra từ đó sẽ rút ngắn đáng kể thời hạn tạm giam, hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề.

Sáng 30/11, Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên, với 10 chương và 179 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026.

Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên…

Trong đó, luật nêu rõ “biện pháp xử lý chuyển hướng” là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: QH

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Trường hợp phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Luật cũng quy định “không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội”. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức áp dụng đối với người thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Luật cũng quy định người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu phạm tội rất nghiêm trọng về một trong các tội phạm: Giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, sản xuất trái phép chất ma túy.

Ngoài ra, Luật cũng quy định trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là “người chưa thành niên đã được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng mà phạm tội mới”.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Khi xét xử người chưa thành niên về những tội này, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tòa án có 2 lựa chọn: áp dụng hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Theo bà Nga, dự thảo luật đã chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Quy định cũng đảm bảo tính nhân văn vì người chưa thành niên sẽ được áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng ngay từ giai đoạn điều tra (thay vì phải chờ đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm mới được áp dụng như hiện nay), từ đó sẽ rút ngắn đáng kể thời hạn tạm giam, hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề.

12 biện pháp xử lý chuyển hướng

Tại Điều 36 quy định rõ, 12 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; hạn chế khung giờ đi lại; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới;

Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/luat-moi-quy-dinh-bien-phap-xu-ly-chuyen-huong-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-2346978.html
Zalo