Luật Khoa học và công nghệ nên có cơ chế thí điểm
Luật Khoa học và công nghệ (KH-CN) nên có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước.
Đó là ý kiến của giới KH-CN tại hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) mới đây.
"Đổi mới sáng tạo" có nên thành tên của luật?
Trong bối cảnh mới, việc sửa đổi Luật KH-CN lần này không chỉ thể chế hóa các chủ trương, chính sách mà Đảng ban hành mà còn phải kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57.
Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng cho hay Luật KH-CN ra đời năm 2013 đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc. Hơn 10 năm qua, hệ thống pháp luật của nước ta đã có rất nhiều thay đổi để cùng với đất nước phát triển.
"Những thay đổi này liên quan mật thiết đến KH-CN làm cho Luật KH-CN có nhiều nội dung không còn phù hợp. Đất nước ta hiện nay đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ở một vị trí cao hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây. Hơn bao giờ hết, KH-CN phải vươn lên một tầm cao mới, để xứng đáng với vị thế của đất nước và khát vọng của dân tộc. Vì thế, Chính phủ đã trình Quốc hội để xem xét thông qua một bộ luật mới với tên mới là Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây là một nội dung vô cùng quan trọng", Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói.
Nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký LHHVN Phạm Văn Tân cho rằng, về tên của luật trong dự thảo, khái niệm "Đổi mới sáng tạo" cũng nằm trong nội hàm của thuật ngữ KH-CN. Tờ trình cũng nêu "Luật KH-CN 2013 còn thiếu chính sách tổng thể để điều chỉnh, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo...", vậy nên chỉ cần bổ sung các điều khoản liên quan đến đổi mới sáng tạo là đủ, không nhất thiết phải đưa thêm thuật ngữ đổi mới sáng tạo và thành tên của luật.
Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có đề cập thêm cụm từ "chuyển đổi số" thì liệu tên gọi của luật có đưa thêm cụm từ "chuyển đổi số?", ông Phạm Văn Tân đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét việc chọn tên của luật cho phù hợp.
Dự luật chưa nói tới các tổ chức khoa học ngoài công lập
Cũng theo ông Phạm Văn Tân, dự thảo luật quy định: "Đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực KH-CN công lập là tổ chức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, có chức năng phục vụ quản lý nhà nước về KH-CN, đổi mới sáng tạo hoặc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực KH-CN, đổi mới sáng tạo". Quy định này không đề cập tới các tổ chức sự nghiệp ngoài công lập.
Như vậy, chỉ tồn tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực KH-CN ngoài công lập không có cơ hội tồn tại. Điều này không phù hợp với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về việc xã hội hóa hoạt động KH-CXN và thúc đẩy chuyển giao dịch vụ công từ các cơ quan nhà nước sang các tổ chức ngoài nhà nước, vì vậy nên xem xét điều chỉnh lại quy định này.
Đồng quan điểm với ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới đưa ra một số ý kiến về các điều trong luật cần sửa đổi, bổ sung như: Các hành vi bị cấm; hệ thống tổ chức KH-CN; quyền của cá nhân hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo; danh hiệu vinh dự nhà nước, khen thưởng và giải thưởng về KH-CN và đổi mới sáng tạo; đầu tư và tài chính phục vụ phát triển KH-CXN và đổi mới sáng tạo; ngân sách nhà nước cho KH-CN...
Các nhà khoa học cũng cho rằng trong bối cảnh mới việc sửa đổi Luật KH-CN lần này không chỉ thể chế hóa các chủ trương, chính sách mà Đảng ban hành mà còn phải kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57.
Theo đó, trọng tâm đầu tiên của Luật KH-CN là khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về KH-CN, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế...; có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Ngoài ra, Luật KH-CN nên có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan; hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Đồng thời, Luật KH-CN phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo. Luật phải phát huy tính gắn kết 3 "nhà" (nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp) để phát huy được sức mạnh chung, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các tổ chức nghiên cứu KH-CN.
Ngoài ra, Luật KH-CN cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu KH-CN công lập hoạt động hiệu quả; thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra...