Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực đã quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm và phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
Phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề y sang giấy phép hành nghề
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 với nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
Luật đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.
Một trong những điểm mới quan trọng đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là thay thế tên gọi của "Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" thành "Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh". Phương thức cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ chuyển từ quy định xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề được thực hiện trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn 5 năm và để được gia hạn Giấy phép hành nghề thì phải đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định.
Những ai phải có giấy phép hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi?
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.
Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, những chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:
- Bác sĩ
- Y sỹ;
- Điều dưỡng;
- Hộ sinh;
- Kỹ thuật y;
- Dinh dưỡng lâm sàng;
- Cấp cứu viên ngoại viện;
- Tâm lý lâm sàng;
- Lương y;
- Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Chính phủ quy định chức danh chuyên môn và điều kiện cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với chức danh chuyên môn được bổ sung ngoài các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Điều 27 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định về nội dung giấy phép hành nghề nêu rõ: Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc; Giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ: Người đề nghị cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề mà phải cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh.