Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 'gọn' bằng một nửa Luật năm 2018, tránh chồng chéo

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, độ dài của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chỉ bằng khoảng 50% so với Luật Giáo dục Đại học năm 2018. Số văn bản hướng dẫn cũng giảm khoảng một nửa số trang, nhằm đơn giản hóa, tránh tình trạng chồng chéo.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi giảm thiểu thủ tục hành chính

Tại hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng Luật Giáo dục Đại học (ĐH) sửa đổi do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 15/5 tại Trường ĐH Luật TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, đây là một văn bản pháp lý nền tảng định hướng cho sự phát triển dài hạn của toàn ngành giáo dục.

Theo ông Sơn, trong những năm qua, giáo dục đại học Việt Nam đạt nhiều thành tựu rõ nét, nhưng vẫn còn không ít bất cập cần khắc phục. Bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho việc sửa đổi luật, trong đó có xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Mặt khác, xã hội đang đặt kỳ vọng vào lần sửa đổi luật này và nó sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Thành An

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Thành An

"Độ dài của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này chỉ bằng khoảng 50% so với Luật Giáo dục ĐH năm 2018. Số lượng văn bản hướng dẫn tính theo số trang cũng giảm khoảng 1 nửa. Mục tiêu nhằm đơn giản hóa, mạch lạc hóa hệ thống giáo dục đào tạo, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật hiện hành", ông Sơn nói.

Theo đó, dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) sẽ kế thừa các điều khoản nội dung không đổi Luật Giáo dục ĐH hiện hành (>55%); Không trùng lặp các điều khoản với Luật Giáo dục và Luật sửa đổi Giáo dục, Luật nhà giáo, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Đồng thời, giảm số điều, chương, giảm 50% số lượng quy trình, giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính.

Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục Đại học sửa đổi của Bộ GD-ĐT cho biết: Dự thảo sẽ tích hợp các nội dung trùng lặp và bãi bỏ nhiều quy định chi tiết liên quan đến điều kiện mở ngành, điều kiện thực hiện chương trình đào tạo và quy trình tổ chức đào tạo. Việc này nhằm giảm thiểu ít nhất 50% thủ tục hành chính, thông qua việc tích hợp quy trình mở ngành với quy trình đăng ký hoạt động đào tạo, trên cơ sở áp dụng chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Dự thảo cũng hướng tới trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển và thực hiện chương trình đào tạo đã được cấp phép, trừ lĩnh vực sức khỏe, giáo viên, pháp luật, an ninh và quốc phòng.

6 nhóm chính sách trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Tiến Thảo nêu 6 nhóm chính sách của Dự án Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, gồm:

1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến.

2. Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời.

3. Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.

4. Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học.

5. Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính.

6. Thay đổi cách thức tiếp cận quản trị chất lượng trong hoạt động đảm bảo chất lượng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Tiến Thảo. Ảnh: Thành An

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Tiến Thảo. Ảnh: Thành An

Nhóm chính sách 1 dự kiến quy định đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục có hoạt động giáo dục đại học. Các loại hình cơ sở giáo dục đại học: Đại học quốc gia, đại học vùng, đại học, trường đại học, học viện...

Còn chính sách 5 sẽ quy định mang tính nguyên tắc trong Luật về quyền tự chủ của đại học và quản lý đội ngũ giảng viên bao gồm cả tuyển dụng giảng viên là người nước ngoài, chế độ làm việc, lương và thu nhập, thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh, tự chủ đại học là quyền chủ động của các cơ sở giáo dục đại học trong quyết định các hoạt động theo quy định pháp luật. Dự thảo Luật mới không còn áp dụng tự chủ có điều kiện như luật hiện hành. Tự chủ - trách nhiệm giải trình, đảm bảo chất lượng là xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của giáo dục đại học.

Lê Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/luat-giao-duc-dai-hoc-sua-doi-gon-bang-mot-nua-luat-nam-2018-tranh-chong-cheo-2401315.html
Zalo