Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/2/2025

Chiều 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và 1 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có Luật Điện lực.

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật và 1 Pháp lệnh

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật và 1 Pháp lệnh

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Văn phòng Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao dự họp báo. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.

Theo đó, 9 luật bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực; Luật Địa chất và khoáng sản); 1 pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua tại Phiên họp thứ 40 (Pháp lệnh Chi phí tố tụng).

Luật Điện lực được chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chiều 30/11/2024 với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,65%). Luật này thay thế cho Luật Điện lực năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2012, 2018, 2022, 2023), bao gồm 6 nhóm chính sách lớn.

"Luật Điện lực sau khi được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu Net Zero và góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết.

Chiều 30/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao

Chiều 30/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao

Luật Điện lực bao gồm 09 Chương và 81 Điều, trong đó quy định về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới là nội dung hoàn toàn mới.

Cụ thể:

- Chương I: Những quy định chung, gồm 09 Điều (từ Điều 1 đến Điều 9). Nội dung mới chủ yếu là bổ sung quy định trường hợp đặc thù cần áp dụng Luật Điện lực, bổ sung giải thích từ ngữ, bổ sung các nội dung tại Nghị quyết số 55-NQ/TW vào Điều 5 chính sách phát triển điện lực.

- Chương II: Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện và đầu tư xây dựng dự án điện lực, gồm 10 Điều (từ Điều 10 đến Điều 19). Nội dung mới là:

+ Bổ sung quy định về: Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện; bổ sung quy định về chủ trương đầu tư dự án điện lực; đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực khẩn cấp; về hợp đồng dự án nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao; Lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực;

+ Hiệu chỉnh quy định chung về: đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

+ Bỏ quy định về Lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực; Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá thực hiện quy hoạch phát triển điện lực và Sử dụng đất cho các công trình điện lực;

- Chương III: Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, gồm 02 mục và 10 Điều. Đây là nội dung hoàn toàn mới tại Luật Điện lực năm 2024:

Mục 1. Quy định về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, gồm 06 Điều (từ Điều 20 đến Điều 25): quy định các nội dung về Quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; tháo dỡ công trình thuộc dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Mục 2. Quy định về phát triển điện gió ngoài khơi, gồm 04 Điều (từ Điều 26 đến Điều 29), trong đó quy định chung về phát triển điện gió ngoài khơi; khảo sát dự án; chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.

- Chương IV: Giấy phép hoạt động điện lực, gồm 08 Điều (từ Điều 30 đến Điều 37): chủ yếu kế thừa các quy định của Luật Điện lực năm 2004 và có điểm mới là bỏ thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với lĩnh vực tư vấn.

- Chương V: Thị trường điện cạnh tranh và hoạt động mua bán điện, gồm 03 mục và 15 Điều, trong đó bổ sung điểm mới quy định về tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ; quy định về Hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện; bổ sung một số nguyên tắc về xây dựng giá điện cho các loại hình; bổ sung phương pháp hướng dẫn và hình thức định giá đối với lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng và bổ sung cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất, giá điện năng).

- Chương VI: Điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia gồm 05 Điều (từ Điều 53 đến Điều 57) và Chương VII: Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, gồm 09 Điều (từ Điều 58 đến Điều 66) chủ yếu kế thừa một số quy định của Luật Điện lực năm 2004.

- Chương VIII: Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực, gồm 02 mục và 12 Điều (từ Điều 67 đến Điều 78), trong đó bổ sung 01 mục riêng quy định về an toàn công trình thủy điện.

- Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 03 Điều (từ Điều 79 đến Điều 81), trong đó bổ sung các nội dung về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Luật Giá, đồng thời bổ sung 01 Điều quy định chuyển tiếp nhằm không có khoảng trống pháp lý khi Luật này có hiệu lực và Luật Điện lực năm 2004 hết hiệu lực.

Luật Điện lực có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2025.

"Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Luật một cách sớm nhất", Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho biết.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/luat-dien-luc--sua-doi--se-co-hieu-luc-tu-1-2-2025-131397.htm
Zalo