Luật Điện lực (sửa đổi): Chính sách đã rõ ràng, đừng để tương lai thiếu điện
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đánh giá cao và đồng thuận với Luật Điện lực (sửa đổi), ông khẳng định chính sách đã rõ ràng, thực thi sớm sẽ đảm bảo an ninh điện.
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội vào sáng 4/11, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho hay: Từ thực tế của Bến tre là địa phương phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nên tôi rất ủng hộ Luật Điện lực (sửa đổi) thông qua tại Kỳ họp này.
Theo đại biểu, Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã tập trung vào những khó khăn của ngành điện qua đó khơi thông nguồn lực của xã hội, nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp.
“Đơn cử như lĩnh vực năng lượng mới, có rất nhiều dự án mà chúng ta đã thu hút khá thành công các nhà đầu tư, tuy nhiên cơ chế chính sách như thế nào? quy trình thủ tục ra sao thì chúng ta còn nhiều khó khăn. Việc sửa Luật điện lực lần này, tôi thấy cơ chế chính sách cho phát triển ngành năng lượng mới đã bám sát mục tiêu và cam kết của Chính phủ Việt Nam là hướng tới Net – Zero vào năm 2050, qua đó giúp các doanh nghiệp tiếp cận và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, giúp nền kinh tế tăng trưởng xanh”- đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho hay.
Trước nhu cầu điện năng cao của nền kinh tế, đại biểu khẳng định, chính sách đã rất rõ ràng, điện lực là một trong những vấn đề quan trọng mà chúng ta phải hỗ trợ để phát triển bền vững, nếu không tương lai thiếu điện cho phát triển đất nước là hiện hữu, những ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo sẽ lỡ mục tiêu.
“Chúng tôi đã thảo luận tại tổ, các đại biểu đồng thuận với Luật Điện lực (sửa đổi) rất cao nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư cho năng lượng mới, năng lượng tái tạo”- đại biểu Nguyễn Trúc Sơn khẳng định.
Theo đại biểu, hiện nay Bến Tre có nhiều dự án nằm trong Quy hoạch điện VIII về năng lượng tái tạo, thời gian qua Bến Tre đã triển khai được khoảng hơn 30% danh mục các dự án nằm trong quy hoạch chung, qua đó đã phát huy hiệu quả kinh tế rất cao cho địa phương.
"Các dự án khi đi vào hoạt động không chỉ cung cấp thêm cho điện lưới quốc gia mà còn có thêm nguồn thu từ truyền tải điện, các doanh nghiệp có doanh thu thì địa phương có thêm nguồn thu ngân sách"- đại biểu cho hay.
Bên cạnh điện phục vụ sản xuất công nghiệp, thì Bến Tre cũng là địa phương có thế mạnh trong phát triển nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao với trên 5.000 ha nuôi tôm công nghệ cao.
“Do vậy, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế không chỉ quan trọng với địa phương chúng tôi mà còn cả những nhà đầu tư khác và những ngành kinh tế khác. Những gì nút thắt của ngành điện chúng ta cùng phải hợp lực để tháo gỡ để huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển, đừng để lỡ cơ hội và thiếu điện cho tương lai”- đại biểu Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh.
Tỉnh Bến Tre có tiềm năng lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bến Tre đã cấp chủ trương đầu tư và tập trung triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7 MW; 9 dự án hoàn tất công tác thi công lắp dựng cơ bản với tổng công suất lắp đặt 365,9 MW. Trong đó có 250,75 MW đã được phát điện vận hành thương mại, công suất lắp đặt còn lại là 115,15 MW nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đàm phán giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện dự án “Khu tổ hợp hydro xanh Bến Tre” làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro tại Việt Nam cùng với các dự án Điện mặt trời, điện gió tự sản tự tiêu cung cấp nguồn năng lượng đầu vào cho “Khu tổ hợp hydro xanh Bến Tre”. Do vậy, Luật Điện lực (sửa đổi) khi được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Bến Tre sớm hiện thực hóa các mục tiêu được cấp chủ trương đầu tư.