Luật Đầu tư công (sửa đổi) hướng tới phân cấp mạnh mẽ và thủ tục thông thoáng
Luật (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện tại, giải phóng nguồn lực đầu tư công, đóng góp vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Sáng nay (ngày 29/10), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Dự án Luật được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong quản lý đầu tư công, hướng tới phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
5 nhóm chính sách cốt lõi
Trước đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 683/TTr-CP ngày 19/10/2024 gửi Quốc hội về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Sau khi đã tham khảo ý kiến rộng rãi, Dự án Luật Đầu tư công tập trung vào 5 nhóm chính sách cốt lõi.
Thứ nhất, Luật hướng tới thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, cho phép tách riêng công tác bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập đồng thời trao thêm thẩm quyền cho cấp địa phương trong việc quản lý dự án.
Thứ hai, Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bằng cách điều chỉnh thẩm quyền liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, nâng quy mô vốn cho các dự án và trao quyền quyết định chủ trương đầu tư cho người đứng đầu Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp. Việc gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện dự án cũng được phân cấp rõ ràng hơn.
Nhóm chính sách thứ ba tập trung nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, cho phép sử dụng đa dạng nguồn vốn hợp pháp, mở rộng đối tượng tham gia lập báo cáo đề xuất dự án. Thứ tư, Luật thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi thông qua việc đơn giản hóa quy trình đề xuất và phê duyệt dự án, cũng như bổ sung quy định về thời gian bố trí và giải ngân.
Với nhóm cuối cùng, Luật hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách tinh gọn quy trình lập kế hoạch đầu tư công, thống nhất các khái niệm, thuật ngữ và điều chỉnh hạn mức vốn cho các dự án kéo dài.
Dự thảo Luật với 7 Chương, 109 Điều, bao gồm sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều khoản của Luật Đầu tư công năm 2019. Trên cơ sở đó, Luật (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện tại, giải phóng nguồn lực đầu tư công, đóng góp vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Chiến lược 10 năm 2021-2030. Quốc hội sẽ xem xét và quyết định thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.
Tháo gỡ căn bản các tồn tại
Trao đổi về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Luật Đầu tư công sẽ cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.”
Cụ thể, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài. Nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019. Các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ ràng để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.
Theo ông Dũng, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các đối tượng liên quan và nhà tài trợ, tổ chức quốc tế. Nội dung sửa đổi bảo đảm bám sát chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý sang kiến tạo phát triển. Đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh các vấn đề, nội dung chỉnh sửa, bổ sung, bãi bỏ trong dự thảo Luật là các vấn đề "đã chín, đã rõ, cấp thiết" và cần tháo gỡ ngay nhằm giải phóng nguồn lực đầu tư công để đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược 10 năm 2021-2030 và áp dụng ngay trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030./.