Luật Đầu tư công (sửa đổi): Cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư

Ngày 23/8, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên thẩm định.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên thẩm định.

Đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện kế hoạch vốn ODA

Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian chấp hành, tạo sự chủ động, linh hoạt và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công. Luật cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đường cao tốc, liên vùng, ven biển…

Tuy nhiên, sau gần 05 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Luật Đầu tư công (sửa đổi) cơ bản kế thừa các ưu điểm, kết quả đạt được của Luật Đầu tư công năm 2019, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục và thể chế hóa một số nội dung thí điểm đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đất nước trong tình hình mới.

Đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư trình bày tại phiên thẩm định.

Đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư trình bày tại phiên thẩm định.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) tập trung vào các nhóm chính sách như : Luật hóa các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ về các cơ chế, chính sách thí điểm đã được Quốc hội cho phép áp dụng và phát huy hiệu quả trong thời gian qua; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong quản lý và thực hiện dự án, kế hoạch đầu tư công; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án, huy động năng lực quản lý và nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác trong thực hiện dự án đầu tư công…

Góp ý vào đề nghị, ông Trần Quang Anh, Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Luật Đầu tư công 2014 không quy định các nội dung cấp phép bố trí ngân sách trung ương cho doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào hỗ trợ nợ, đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như nguồn vốn ngân sách nhà nước để duy trì, bảo dưỡng, xây dựng các công trình hồ đập, thủy lợi. Điều này dẫn tới việc một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao dự án đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách nhà nước khiến tiến độ các dự án bị chậm trễ. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung này để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đối với chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong quản lý và thực hiện dự án, kế hoạch đầu tư công, ông Bùi Phương Đông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhất trí với việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án và thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, việc phân cấp này sẽ góp phần không nhỏ để đẩy nhanh tiến độ dự án. Cùng với đó, để giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đầu tư, ông Bùi Phương Đông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định trình tự, thủ tục áp dụng với các nguồn vốn vay ODA cho các doanh nghiệp vay lại theo hướng trình tự, thủ tục đầu tư về vốn ban đầu sẽ tuân theo Luật Đầu tư công còn quá trình thực hiện dự án đầu tư sẽ được xác định như quy trình vay thương mại và tuân theo quy định pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, ông Bùi Phương Đông cũng đề xuất cho phép các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư công và đề nghị làm rõ việc cho phép doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là như thế nào.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung đề nghị đề nghị không kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau; cân nhắc không đưa nội dung về việc bổ sung quy định cơ quan gửi đề xuất dự án sử dụng vốn nước ngoài cho công ty con của doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công; nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc, thời gian bố trí vốn chuẩn bị đầu tư…

Cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và cho biết Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu và thể hiện đầy đủ các ý kiến tại Báo cáo thẩm định. Thứ trưởng cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chủ động, nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc kịp thời chuẩn bị hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết minh thêm về tính cấp bách, sự cần thiết của 5 chính sách để đề xuất xây dựng Luật này theo quy trình rút gọn, thông qua trong 1 kỳ họp Quốc hội.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên thẩm định.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên thẩm định.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cơ sở chính trị để ban hành Luật là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về cải cách thể chế, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và một số nghị quyết khác có liên quan tới đầu tư công.

Về tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định với Hiến pháp và các luật khác như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước… Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát lại nội dung về phân loại dự án; dự án triển khai trên hai hoặc nhiều đơn vị hành chính; nghiên cứu các giải pháp để rút ngắn thời gian thực hiện dự án như chuẩn bị đầu tư hiệu quả, tăng cường cắt giảm thủ tục hành chính…

T.Oanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/luat-dau-tu-cong-sua-doi-cat-giam-thu-tuc-hanh-chinh-de-day-nhanh-tien-do-thuc-hien-du-an-dau-tu-post522838.html
Zalo