Chủ tịch UBND TP.HCM: Tỷ lệ 'sinh và tử' của doanh nghiệp vẫn rất đáng quan tâm

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thẳng thắng nhìn nhận môi trường đầu tư cải thiện, nhưng tỷ lệ 'sinh và tử' của doanh nghiệp vẫn đáng quan tâm, khi cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 9 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Phát biểu tại phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh giá trong 6 tháng qua, Thành phố phải nhận nhiệm vụ hết sức nặng nề trong điều kiện vừa đảm bảo kinh tế - xã hội và đặc biệt quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Ngay từ đầu năm nay, Thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gỡ cục máu đông cho nền kinh tế, tháo được trên 70 dự án, khơi thông được gần 400.000 tỷ đồng cho sản xuất, kinh doanh, đem lại sự hứng khởi, niềm tin cho cộng đồng danh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho rằng, chỉ khi nào doanh nghiệp thích môi trường đầu tư Thành phố thì khi đó TP.HCM mới thành công. Ảnh: UBND TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho rằng, chỉ khi nào doanh nghiệp thích môi trường đầu tư Thành phố thì khi đó TP.HCM mới thành công. Ảnh: UBND TP.HCM

Theo ông Được, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quay trở về TP.HCM. Trong 6 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 123,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 792 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 552,68 triệu USD; điều chỉnh 208 lượt dự án ghi nhận tăng 529,89 triệu USD; có 1.146 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 1,625 tỷ USD.

Trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ, đã thu hút tổng vốn đầu tư là 1,164 tỷ USD, trong đó có một số dự án tiêu biểu như Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị sản xuất vi mạch của Công ty Be Semiconductor Industries N.V4, Dự án Data Center của Tập đoàn CMC5, Dự án Amazon Data Services Việt Nam6, Dự án Dược phẩm GSK Việt Nam.

Thu ngân sách cũng tăng cao, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm là 321.892 tỷ đồng, đạt 61,89% dự toán, tăng 20,38% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 256.779,14 tỷ đồng, đạt 65,95% dự toán, tăng 24,42% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 65.020,2 tỷ đồng, đạt 50,02% dự toán, tăng 6,58% so cùng kỳ.

Mặc dù tăng trưởng tốt, song Chủ tịch UBND Thành phố cũng thẳng thắng nhìn nhận môi trường đầu tư cải thiện, nhưng tỷ lệ "sinh và tử" của doanh nghiệp vẫn đáng quan tâm.

“Nếu đầu năm số sinh ít hơn số tử, bây giờ số sinh tăng hơn tử. Điều này cho thấy khả năng phát triển của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là thời gian tới khi Mỹ áp thuế thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, ông Được đánh giá.

Một điểm lưu ý nữa là cải cách hành chính có tiến bộ, môi trường đầu tư tăng lên, nhưng ông Được đặt câu hỏi đã đảm bảo được yêu cầu của người dân và doanh nghiêp chưa?

“Khi nào doanh nghiệp thích môi trường đầu tư thành phố thì khi đó chúng ta mới thành công. Phục vụ làm sao vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”, ông Được lưu ý.

Báo cáo của Chi cục Thống kê TP.HCM cho thấy môi trường kinh doanh trên địa bàn Thành phố chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 18,7% và số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 8% so với cùng kỳ.

Từ ngày 1/1/2025 đến ngày 20/6/2025, Thành phố cấp phép 18.926 doanh nghiệp, với vốn đăng ký đạt 104.670 tỷ đồng, giảm 25% về giấy phép và giảm 51,3% về vốn so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi Cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM đánh giá môi trường kinh doanh sau Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 tăng cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Tuy nhiên, tổng chung 6 tháng đầu năm 2025, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 9 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. So với cả nước (1,2 doanh nghiệp gia nhập/1 doanh nghiệp rút), TP.HCM mới thấp hơn, cho thấy môi trường kinh doanh và đầu tư vẫn còn điểm nghẽn.

Về tăng trưởng kinh tế chung, ông Hoàng đánh giá nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng rõ nét, do chính sách thuế quan của Mỹ, lãi suất tăng cao lạm phát kéo dài và bất ổn chính trị.

Sau sáp nhập, TP.HCM mới có dân số trên 14 triệu người, thu ngân sách chiếm khoảng 36,4%, GRDP chiếm khoảng 25% cả nước. Với quy mô như vậy, GRDP TP.HCM mới tương đương GRDP Jakarta, Bangkok, Manila.

Mỗi 1% tăng trưởng của Thành phố khoảng 17.200 tỷ đồng - tương đương một số tỉnh, thành phố chưa sắp xếp như Điện Biên, Lai Châu. Do đó, việc tăng trưởng 7,49% trong 6 tháng đầu năm, không tính dầu thô, rất đáng ghi nhận.

Trước sáp nhập, TP.HCM cũ được giao tăng trưởng 8,5%, Bình Dương 10%, Bà Rịa - Vũng Tàu 10% (không tính dầu thô), như vậy, ước tính sau sáp nhập là khoảng 8,92%. Trong khi 6 tháng đầu năm, TP.HCM mới đã tăng trưởng 7,49%, có nghĩa 6 tháng cuối năm cần tăng 10,25%. Ông Hoàng nhấn mạnh đây là con số rất thách thức.

Còn nếu xét theo Nghị quyết HĐND được 3 địa phương cũ đặt ra, TP.HCM cũ cần tăng trên 10%, Bình Dương 10%, Bà Rịa - Vũng Tàu 10,5%, tức TP.HCM mới cần tăng 10,04%, đồng nghĩa 6 tháng cuối năm cần tăng khoảng 12,41%.

Do đó, ngành thống kê TP.HCM ước tính mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm cần đạt 11 - 12,5%. Ông Hoàng nhấn mạnh đây là thách thức rất lớn cho siêu đô thị mới.

Nói về các động lực tăng trưởng của thành phố, ông cho biết, giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 32,9%, tương đối tốt, nhưng Chính phủ yêu cầu đạt 100%, có nghĩa là bình quân hàng tháng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 11%. Vì vậy, TP.HCM cần xây dựng kế hoạch cụ thể.

Trong khi đó, tổng cầu của thành phố mới tương đối cao, nhưng một yếu tố đang hạn chế đà tăng trưởng là chỉ số giá tiêu dùng - 6 tháng đầu năm tăng 4,4% - gần đạt ngưỡng Quốc hội giao là 4,5%. Ông Hoàng nhấn mạnh giá tăng ảnh hưởng rất lớn đến sức mua và sản xuất, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế

Xuất nhập khẩu vẫn tăng trên hai con số, nhưng chưa đạt kỳ vọng. Đặc biệt, chính sách thuế mới của Mỹ dự kiến sắp được áp dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất nhập khẩu. Cần có đối sách về thị trường xuất khẩu.

Bình ổn giá là một trong nhữg câu chuyện cần quan tâm, tránh hiện tượng lợi dụng cao điểm chống hàng gian, hàng giả, chính sách thuế mới để gây biến động giá cục bộ.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chu-tich-ubnd-tphcm-ty-le-sinh-va-tu-cua-doanh-nghiep-van-rat-dang-quan-tam-d321657.html
Zalo