Luật cạnh tranh EU đứng trước thách thức mới

Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) vừa đưa ra một phán quyết quan trọng có thể ảnh hưởng đến chính sách chống độc quyền của EU. Quyết định này cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) không có thẩm quyền can thiệp vào thương vụ Illumina, tập đoàn hàng đầu thế giới về máy móc giải trình tự gene, mua lại công ty công nghệ sinh học Grail của Mỹ.

Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh minh họa: IRNA/TTXVN

Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh minh họa: IRNA/TTXVN

Ngày 3/9, CJEU đã ra phán quyết nhấn mạnh EC không nên can thiệp vào thương vụ Illumina mua lại Grail vào mùa thu năm 2022. Theo các thẩm phán, thương vụ trị giá 7 tỷ USD này không vi phạm bất kỳ quy định nào tại các quốc gia thành viên EU và cũng không đạt "quy mô châu Âu", vì Grail không có doanh thu tại EU hoặc bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Illumina đã bày tỏ sự hài lòng với phán quyết của Tòa án CJUE, đồng thời cho rằng EC đã "vượt quá quyền hạn" trong vụ việc này. Illumina cũng không chấp nhận khoản phạt 432 triệu euro mà EC áp đặt trước đó, cho rằng giao dịch đã hoàn tất trước khi được Ủy ban xem xét.

Trước đó, vào tháng 3/2021, EC đã ban hành các quy định mới nhằm mở rộng quyền hạn giám sát đối với các thương vụ mua lại các công ty khởi nghiệp sáng tạo. Mục đích là để ngăn chặn các thương vụ có thể gây hại đến cạnh tranh trong các lĩnh vực mới nổi.

Sau khi Illumina hoàn tất việc mua lại Grail, các chuyên gia cạnh tranh của EC, theo yêu cầu từ Pháp, Bỉ, Hy Lạp và Hà Lan, đã quyết định áp dụng các quy định mới để điều tra vụ việc. Đến tháng 9/2022, EC bày tỏ lo ngại rằng thương vụ này có thể "gây cản trở cho sự đổi mới và làm giảm số lượng các xét nghiệm máu phát hiện sớm ung thư trên thị trường". Tháng 10 cùng năm, EC đã chính thức ra lệnh cho Illumina phải hủy bỏ giao dịch mua lại Grail.

Tháng 4/2023, các cơ quan chức năng của Mỹ cũng phản đối thương vụ này, cho rằng nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường xét nghiệm ung thư tại Mỹ. Trước áp lực này, Illumina đã quyết định rút lui, đưa Grail lên sàn chứng khoán và chỉ giữ lại 14,5% cổ phần.

Sau khi xem xét trường hợp của Illumina và Grail, vào tháng 8/2023, EC thông báo sẽ tiếp tục xem xét thêm hai giao dịch khác. Giao dịch đầu tiên là việc EEX, đối thủ cạnh tranh chính của Nasdaq tại Đức, mua lại hoạt động về hợp đồng tương lai điện ở khu vực Bắc Âu của Nasdaq. Giao dịch thứ hai là Qualcomm, tập đoàn bán dẫn lớn của Mỹ, mua lại Autotalks, một công ty sản xuất bán dẫn của Israel chuyên về công nghệ xe kết nối.

Trong trường hợp đầu tiên, các bên liên quan đã tự nguyện từ bỏ việc tiến xa hơn. Trong trường hợp thứ hai, Qualcomm đã rút lui sau khi các cơ quan quản lý của Israel và Mỹ cho rằng thương vụ có thể gây rủi ro.

Phán quyết của Tòa án CJEU đã buộc EC phải xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Ủy viên phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager đã khẳng định EC sẽ tiếp tục sử dụng các quy định mới về chống độc quyền, nhưng cũng thừa nhận cần phải có những điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả giám sát trong các trường hợp phức tạp.

Trên mạng xã hội X, nghị sĩ châu Âu Stéphanie Yon-Courtin nhấn mạnh cần xem xét lại các quy tắc về mua bán và sáp nhập để ngăn chặn các thương vụ thâu tóm độc quyền và duy trì tính cạnh tranh, sự đổi mới trên thị trường duy nhất của EU.

Phán quyết của CJEU đặt ra câu hỏi về giới hạn quyền lực của EC trong việc giám sát các thương vụ mua bán và sáp nhập, đồng thời thúc đẩy EU cần phải điều chỉnh các quy định để bảo vệ sự cạnh tranh và đổi mới trong thị trường chung.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/luat-canh-tranh-eu-dung-truoc-thach-thuc-moi-20240904221443240.htm
Zalo