Luận giải bài kinh 'Thịt đứa con'
'Rồi hai vợ chồng ấy giết đứa con một, khả ái, dễ thương ấy, làm thịt khô và thịt ướp, ăn thịt người con và vượt qua vùng hoang vu còn lại ấy. Họ vừa ăn thịt con, vừa đập ngực (than khóc): 'Đứa con một ở đâu? Đứa con một ở đâu?'
Bài kinh “Thịt đứa con” trích trong Tương ưng bộ kinh nói tới 4 loại thức ăn đưa đến sự tồn tại, chấp thủ tái sinh cho các loài chúng sinh gồm có: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực.

Ảnh minh họa, thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Phần I. Đoạn kinh ẩn dụ về "đoàn thực"
1. Đoạn kinh
“Ví như, này các Tỳ-kheo, hai vợ chồng đem theo một ít lương thực đi qua một quãng đường hoang dã, với một đứa con khả ái, thương mến. Rồi này các Tỳ-kheo, trong khi hai vợ chồng ấy đang đi trên con đường hoang vu, số lương thực ít ỏi ấy đi đến hao mòn, khánh tận. Và một vùng hoang vu còn lại chưa được họ vượt qua.
Rồi này các Tỳ-kheo, hai vợ chồng người ấy suy nghĩ: "Đồ lương thực ít ỏi của chúng ta đã bị hao mòn, khánh tận; còn lại vùng hoang vu này chưa được vượt qua; vậy chúng ta hãy giết đứa con một, khả ái, dễ thương này, làm thành thịt khô và thịt ướp, ăn thịt đứa con và vượt qua vùng hoang vu còn lại này, chớ để tất cả ba chúng đều bị chết hại."
Rồi hai vợ chồng ấy giết đứa con một, khả ái, dễ thương ấy, làm thịt khô và thịt ướp, ăn thịt người con và vượt qua vùng hoang vu còn lại ấy. Họ vừa ăn thịt con, vừa đập ngực (than khóc): "Đứa con một ở đâu? Đứa con một ở đâu?"
Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Họ ăn món ăn có phải để vui chơi? Hay họ ăn món ăn để tham đắm? Hay họ ăn món ăn để trang sức? Hay họ ăn món ăn để béo tốt?
Thưa, không phải vậy, bạch Thế Tôn.
Có phải họ ăn các món ăn chỉ với mục đích vượt qua vùng hoang vu?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta nói đoàn thực cần phải nhận xét như vậy. Này các Tỳ-kheo, khi đoàn thực được hiểu biết, thời lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết. Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết, thời không còn kiết sử, do kiết sử này, một vị Thánh đệ tử bị trói buộc để phải sinh lại đời này.”
2. Giải nghĩa đoạn kinh
Thông qua đoạn kinh, ta có thể hiểu rằng “đoàn thực” là loại thức ăn nuôi thân, đồ ăn con người hấp thụ hàng ngày.
Đức Phật kể câu chuyện về một đôi vợ chồng đi qua sa mạc cùng với đứa con duy nhất của họ. Khi lương thực cạn kiệt, họ phải giết con mình để lấy thịt làm lương thực duy trì sự sống. Trong khi ăn, họ vừa khóc thương con, vừa đau đớn.
Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo: Họ ăn thịt con vì tham đắm vào vị ngon chăng, họ ăn để béo tốt, vui chơi chăng, hay chỉ đơn thuần vì sự sống còn? Câu trả lời rõ ràng: Họ ăn không phải vì tham đắm, mà chỉ để duy trì sự sống.
Đoàn thực không phải là sự hưởng thụ. Thông qua câu chuyện này, ăn uống không phải để thỏa mãn dục vọng, mà chỉ là phương tiện duy trì sự sống để thực hành chính pháp. Khi con người ăn vì tham dục, họ bị trói buộc vào năm dục trưởng dưỡng (sắc, thanh, hương, vị, xúc), từ đó tạo nghiệp và tiếp tục tái sinh.
Chúng sinh cần quán thực phẩm như thuốc. Bậc trí tuệ quán chiếu thức ăn như là thuốc, ăn chỉ để nuôi sống thân thể, tránh rơi vào sự hưởng thụ làm gia tăng tham ái. Ăn uống cần giữ chính niệm, không để bị cuốn vào dục lạc, giữ tâm buông xả, biết ăn đủ, chỉ để nuôi xác thân.
Tại sao bài kinh không ví dụ về việc cha mẹ giết hại một con vật khác để cứu gia đình thay vì ví dụ hình ảnh “thịt đứa con”
Bài kinh với hình ảnh ẩn dụ này đánh vào ý thức người đọc một cách mạnh mẽ và các chi tiết trong đó đều có tính hàm ý cao.
Đặt trường hợp, cha mẹ giết một con vật để cứu lấy gia đình. Nếu thay thế hình ảnh này cho bài kinh gốc ban đầu, chúng ta hoàn toàn có thể thấy sự khác biệt rõ rệt:
“Ví như, này các Tỳ-kheo, hai vợ chồng đem theo một ít lương thực đi qua một quãng đường hoang dã, với một đứa con khả ái, thương mến. Rồi này các Tỳ-kheo, trong khi hai vợ chồng ấy đang đi trên con đường hoang vu, số lương thực ít ỏi ấy đi đến hao mòn, khánh tận. Và một vùng hoang vu còn lại chưa được họ vượt qua.
Rồi này các Tỳ-kheo, hai vợ chồng người ấy suy nghĩ: "Đồ lương thực ít ỏi của chúng ta đã bị hao mòn, khánh tận; còn lại vùng hoang vu này chưa được vượt qua; vậy chúng ta hãy giết các con vật trên đường, làm thành thịt khô và thịt ướp và vượt qua vùng hoang vu còn lại này, chớ để tất cả ba chúng đều bị chết hại."
Rồi hai vợ chồng ấy giết các con vật trên đường, làm thịt khô và thịt ướp, vượt qua vùng hoang vu còn lại ấy.”
Tính chất răn dạy không dính mắc vào đồ ăn không có giá trị nữa. Trong đời sống hàng ngày từ thuở xưa tới giờ, con người vẫn sử dụng các loài vật khác cho bữa ăn của mình, nếu để vào ví dụ này: tính chất đau khổ cùng cực của cha mẹ và tính buông xả, không tham đắm, hưởng thụ dục lạc bữa ăn biến mất. Như vậy đoạn kinh mất giá trị.
Nếu cha mẹ đó giết hại loài vật, thì gần như tâm họ không còn quá nhiều cơ hội cho việc cảm thấy rằng “mình cần ăn để nuôi thân”, mà nó giống như một bữa ăn thông thường nhiều hơn. Và nếu hình ảnh này được sử dụng, thì những câu hỏi của đức Phật sau đó: “Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Họ ăn món ăn có phải để vui chơi? Hay họ ăn món ăn để tham đắm? Hay họ ăn món ăn để trang sức? Hay họ ăn món ăn để béo tốt?” là không có giá trị gì.
Đó là lý do, đức Phật đặt bài ẩn dụ vào bối cảnh vùng hoang vu, chỉ có gia đình 3 người, để muốn gây ấn tượng tột cùng cho các tỳ kheo, nhấn mạnh tính đau thương và bài dạy về sự cần thiết quán chiếu tâm mình khi ăn. Điều này đồng nghĩa rằng: một người thọ dụng bữa ăn, với tâm buông xả, không tham đắm, không ái luyến, không có điều kiện để thay đổi món ăn, chỉ ăn vì thân xác mình cần được nuôi dưỡng, khác với một người thọ dụng bữa ăn một cách ngấu nghiến, ham mê, đòi hỏi, cũng như rằng việc chúng ta thấy người khác ăn một loại thực phẩm nào đó và ngay lập tức chỉ trích, ghán ghép tội danh cho họ có lẽ là chưa thỏa đáng; một bữa ăn, người thọ dụng cần tự chính họ xét hoàn cảnh của mình, tâm mình, tự quán chiếu mình trên phương diện "buông xả" hay "ái luyến".
Phần II. Đoạn kinh ẩn dụ về "xúc thực"
1. Đoạn kinh
“Và này các Tỳ-kheo, xúc thực cần phải nhận xét như thế nào?
Này các Tỳ-kheo, ví như một con bò cái bị lở da, nếu nó đứng dựa vào tường, thời các sinh vật sống ở tường cắn nó. Nếu nó đứng dựa vào cây, thời các sinh vật sống ở cây cắn nó. Nếu nó đứng ở trong nước, thời các sinh vật sống ở trong nước cắn nó. Nếu nó đứng giữa hư không, thời các sinh vật giữa hư không cắn nó.
Này các Tỳ-kheo, con bò cái ấy đứng dựa vào chỗ nào, thời các sinh vật trong các chỗ ấy cắn nó. Như vậy, này các Tỳ-kheo, Ta nói xúc thực cần phải được nhận xét. Này các Tỳ kheo, khi xúc thực được hiểu biết, thời ba cảm thọ được hiểu biết. Khi ba cảm thọ được hiểu biết, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa”
2. Giải nghĩa đoạn kinh
Xúc thực là loại đồ ăn tiếp xúc mỗi ngày. Mỗi khi các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), nó tạo ra cảm thọ – dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Giống như con bò bị lở da, nếu tâm còn dính mắc vào xúc, chúng sinh sẽ luôn bị cắn xé bởi cảm thọ, dẫn đến nỗi khổ dằn vặt.
Điều quan trọng trong đoạn kinh chính là con bò bị lở da, dù cho đứng ở đâu, có dựa vào đâu đi chăng nữa, hoặc không dựa, nó vẫn sẽ bị các sinh vật xúc chạm vào da lở. Cũng vậy, là xúc thực của con người, con người sinh hoạt hàng ngày nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, xúc chạm, vọng tưởng với dòng chảy của cuộc sống. Dù cho có muốn hay không, chúng ta sẽ tự dung nạp môi trường xung quanh vào cơ thể qua sự xúc chạm.
Điều quan trọng là sự thực tập xả ly, những thứ ta nhìn được, nghe thấy khi dung nạp vào cơ thể phải được quán chiếu lẽ vô thường xảy ra trên nền cảm thọ, không chạy theo những thứ được dung nạp qua xúc chạm, không bị cuốn đi bởi các thọ được khởi lên khi xúc thực được đưa vào.
Phần III. Đoạn kinh ẩn dụ về "tư niệm thực"
1. Đoạn kinh
“Và này các Tỳ-kheo, tư niệm thực cần phải nhận xét như thế nào?
Này các Tỳ-kheo, ví như một hố than hừng, sâu hơn một thân người, chứa đầy than cháy đỏ rực, hừng cháy không có khói. Rồi một người đi đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, chán ghét khổ. Rồi hai người lực sĩ đi đến, nắm chặt hai cánh tay người ấy, kéo người ấy đến hố than hùng ấy. Này các Tỳ-kheo, người ấy quyết chí muốn lánh xa, tinh cần muốn lánh xa, phát nguyện muốn lánh xa (hố than hừng ấy).
Vì sao? Này các Tỳ kheo, người ấy chỉ nghĩ như sau: "Nếu ta rơi vào hố than hừng này, do nhân duyên ấy, ta đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết". Như vậy, này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng tư niệm thực cần phải nhận xét.
Này các Tỳ-kheo, khi tư niệm thực được hiểu biết, thời ba ái được hiểu biết. Khi ba ái được hiều biết, Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa”
2. Giải nghĩa đoạn kinh
Tư niệm thực chính là ý chí, mong cầu, tham ái. Đây là loại thực phẩm nuôi dưỡng dục vọng, tham muốn và ý chí. Tư niệm thực được thể hiện như ý chí, dù cho cuộc sống có xảy ra những ngược duyên (như 2 người lực sĩ) thì nó vẫn sẽ âm ỉ chảy bên trong chúng ta, nhưng ở mặt khác thì tư niệm thực chính là chấp ngã.
Chúng sinh cần phải quán chiếu tư niệm thực, giống như người bị kéo đến hố than hừng, người đó sử dụng tư niệm thực như một sức mạnh kiên cường, tinh tấn xa lánh những ngược duyên gây hại tới đời sống mình. Tư niệm thực phải được xét cẩn thận như vậy, tránh chấp ngã cực đoan vào những thứ trong đời sống không đem lại an lạc, ví như một người âm mưu hại người khác để bằng mọi giá đạt được địa vị mình muốn. Tư niệm thực đó là một dạng chấp thủ, ái luyến, không phải là ý chí.
Phần IV. Đoạn kinh ẩn dụ về "thức thực"
1. Đoạn kinh
“Và này các Tỳ-kheo, thức thực cần phải nhận xét như thế nào?
Ví như, này các Tỳ kheo, người ta bắt một người ăn trộm, một người phạm tội, dẫn đến vua và thưa: "Thưa Đại vương, người này là người ăn trộm, một người phạm tội. Hãy trừng phạt người ấy nếu như Ngài muốn". Vị vua nói như sau về người ấy: "Các ông hãy đi và đánh người này với một trăm hèo vào buổi sáng". Và họ đánh người ấy với một trăm hèo vào buổi sáng.
Rồi vị vua vào buổi trưa nói: "Này các ông, người ấy như thế nào?" "Thưa Đại vương, người ấy vẫn còn sống". Rồi vua nói về người ấy: "Này các ông, các ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi trưa". Và họ đánh người ấy một trăm hèo vào buổi trưa.
Rồi vị vua vào buổi chiều nói: "Này các ông, người ấy như thế nào?" "Thưa Đại vương, người ấy vẫn còn sống." Rồi vua nói về người ấy: "Này các ông, các ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi chiều."
Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy trong ngày bị đánh đến ba trăm hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu không?
Bạch Thế Tôn, chỉ bị đánh một hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu, còn nói gì bị đánh đến ba trăm hèo!
Như vậy, này các Tỳ-kheo, Ta nới thức thực cần phải nhận xét. Này các Tỳ-kheo, khi thức thực được hiểu rõ, thời danh sắc được hiểu rõ. Khi danh sắc được hiểu rõ, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không làm gì thêm nữa.”
2. Giải nghĩa đoạn kinh
Thức thực là loại đồ ăn nuôi dưỡng thức, là thứ để thức bám chấp vào, cho rằng nếu thiếu nó thì thức sẽ chết; chính là danh sắc. Thức bám víu vào thân tâm, thì chúng sinh còn tái sinh. Danh sắc chính là nền tảng cho ngũ uẩn, nằm trong những nguyên nhân gây ra đau khổ trong luân hồi.
Do danh sắc, do lòng tham mà tạo nên nhân xấu, như người ăn trộm kia vậy, dẫn tới thọ quả đau đớn mỗi ngày. Thức thực được trưởng dưỡng bởi lòng tham ái, danh sắc; khi thức thực được hiểu rõ, danh sắc sẽ được hiểu rõ, không để tâm bám víu vào ngã chấp.
Lời kết
Trong bài kinh, đức Thế Tôn ví dụ bằng những hình tượng mạnh mẽ để nói về đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực. Bốn loại thực phẩm này phải được quán chiếu, hiểu rõ bản chất của chúng, từng bước đoạn trừ tham ái, buông bỏ chấp thủ.
Cư sĩ Phúc Quang
Tài liệu: Kinh Tương ưng bộ, Chương VII. Đại phẩm thứ bảy, III. Thịt đứa con (Tạp 15.11 Tử Nhục, Đại 2, 102b - S.ii, 97); Dịch giả: HT. Thích Minh Châu