Lừa xin việc rồi chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng
Ngày 26/4, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử bị cáo Phan Thị Kim Ngân (SN 1988, trú Thôn 12, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Theo cáo trạng, Phan Thị Kim Ngân làm Văn thư trường tiểu học Lê Văn Tám, thuộc thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Quá trình sinh sống và làm việc, Ngân biết được nhiều người tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường nhưng không có việc làm hoặc chỉ dạy hợp đồng, có nhu cầu xin việc, nên Ngân đã nảy sinh ý định tìm các mối quan hệ có khả năng xin việc để thu lợi từ việc này.
Từ năm 2014 - 2020, Ngân đã đưa ra thông tin gian dối là có quen biết lãnh đạo ngành giáo dục huyện Ea Kar, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nên có khả năng xin việc vào làm giáo viên trên địa bàn huyện Ea Kar và một số cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, nhiều người liên hệ Ngân để nhờ xin việc thì Ngân nhận tiền và hồ sơ, hứa hẹn 15 - 30 ngày sẽ xin được.
Sau khi nhận tiền, Ngân sử dụng tiêu xài, trả nợ cá nhân, không liên hệ xin việc cũng không trả lại tiền cho người bị hại với tổng số tiền là 6.099.100.000 đồng (trong đó: vợ chồng ông D.K.T, bà T.T.D số tiền 212.000.000 đồng; ông T.Đ.N số tiền 130.000.000 đồng; ông T.B.N số tiền 100.000.000 đồng; chị H.N.N số tiền 179.100.000 đồng; bà D.T.A và những người đưa tiền cho bà A. nhờ Ngân xin việc số tiền 5.478.000.000 đồng).
Đáng chú ý, năm 2014, Ngân có con học tại trường Mầm non Tuổi Ngọc thuộc Thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar; do bà D.T.A làm Phó Hiệu trưởng nên Ngân và bà A. quen biết nhau, thường xuyên qua lại nói chuyện. Sau đó, Ngân nói có quen biết lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar nên có thể xin việc làm cho một số người với chi phí khoảng 100.000.000 đồng, khoảng 15 - 30 ngày có quyết định đi làm.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ Ngân, bà A. tin tưởng nói lại cho những người thân quen, họ hàng của mình là có thể nhờ người xin được vào biên chế nhà nước, nếu có nhu cầu thì đưa tiền cho bà A. nhờ xin giúp. Sau đó, một số người tin tưởng đưa tiền cho bà A. để nhờ xin việc. Tổng số tiền bà A. nhận từ người xin việc nêu trên là 420.000.000 đồng, bà An bỏ thêm 70.000.000 đồng để đưa cho Ngân tổng số tiền là 490.000.000 đồng.
Đến đầu năm 2016, bà A. tiếp tục đòi lại tiền để lo công việc cho con gái là N.T.T thì Ngân nói để Ngân giúp xin cho T. vào biên chế trường Mầm non tại thành phố Buôn Ma Thuột, với giá 500.000.000 đồng; đồng thời Ngân nói cuối năm 2017 có đợt thi tuyển viên chức, công chức, nếu bà A. muốn lấy lại tiền thì phải tìm những người có nhu cầu xin vào biên chế nhà nước, xin chuyển công tác, xin lên chức rồi nhận tiền đưa cho Ngân lo, khi xin được sẽ có tiền trả lại cho bà A.
Do tin tưởng Ngân nên từ cuối năm 2016 đến năm 2019, bà A. đã nói lại cho nhiều người như thông tin và số tiền chi phí mà Ngân đưa ra. Sau khi nhận tiền của nhiều người xin việc, bà A. đưa hết cho Ngân. Khi Ngân yêu cầu đưa thêm tiền, một số trường hợp không đồng ý đưa thêm nên bà A. phải bỏ tiền cá nhân đưa trước cho Ngân. Ngoài ra, bà A. còn đưa tiền nhờ Ngân xin việc cho chồng, con, cháu của mình, cụ thể: Có 32 trường hợp bà A. nhận tiền từ người xin việc, có 5 trường hợp bà A. tự bỏ tiền ra xin. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk không đề cập xử lý đối với bà D.T.A.
Vụ án đã bị HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một lần để điều tra, làm rõ hành vi đồng phạm của bà D.T.A, nhưng VKSND tỉnh Đắk Lắk vẫn giữ nguyên cáo trạng, không làm rõ được hành vi đồng phạm của bà D.T.A.
Tại phiên tòa, các bị hại khai không quen biết bà Ngân, chỉ biết và đưa tiền cho bà A. còn bị cáo Ngân cho rằng, giữa bị cáo và bà A. có ăn chia phần trăm, cụ thể là 10% trên tổng số tiền nhận được.
Sau khi xét hỏi, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt Phan Thị Kim Ngân 13 năm tù, đồng thời buộc bị cáo bồi thường khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nên HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để điều tra, làm rõ hành vi đồng phạm của bà D.T.A.