'Lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông' bị tập trung xử lý, cha mẹ cần làm gì?

Từ ngày 15/2 đến hết năm 2025, cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tập trung xử lý 6 nhóm hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, trong đó, nhóm thứ 6 là xử lý 'lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông'. Điều này khiến không ít gia đình, cha mẹ và các em học sinh lo lắng, băn khoăn.

 Những buổi tuyên truyền trực tiếp của Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Công an tỉnh Hải Dương giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về Luật an toàn giao thông

Những buổi tuyên truyền trực tiếp của Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Công an tỉnh Hải Dương giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về Luật an toàn giao thông

"Chúng tôi cũng có con trong độ tuổi đi học, đều có lo lắng riêng"

"Ngay những người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông như chúng tôi cũng là những cha mẹ có con trong độ tuổi đi học, đều có những lo lắng riêng, song Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định tập trung xử phạt "lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông" là biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe, đảm bảo môi trường giao thông an toàn, văn minh cho trẻ em đến trường nói riêng, cũng như toàn xã hội nói chung", trung tá Đinh Hà Vân - Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở phòng PC08, thành viên tích cực Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Công an tỉnh Hải Dương, chia sẻ.

Các em nhỏ được giao lưu về Luật an toàn giao thông tại trường học

Các em nhỏ được giao lưu về Luật an toàn giao thông tại trường học

Xuất phát từ thực trạng tai nạn giao thông, vi phạm giao thông trong lứa tuổi học sinh đang ở mức báo động. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra hơn 1.100 vụ TNGT liên quan đến học sinh, xử phạt 17.253 trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển; khởi tố 100 vụ, 100 bị can về hành vi: Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; 64 vụ, 82 bị can về tội "Chống người thi hành công vụ"; 533 vụ, 4.962 bị can về tội "Chống người thi hành công vụ", đáng chú ý có không ít đối tượng bị khởi tố khi tuổi đời còn rất trẻ.

"Có thể nói, mục tiêu của việc tập trung xử lý ở nhóm thứ 6, cho "lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông" là vì an toàn của chính học sinh và người tham gia giao thông" - trung tá Đinh Hà Vân nhấn mạnh.

Trung tá Đinh Hà Vân cho biết, trong năm 2024, Tổ tuyên truyền pháp luật Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh tổ chức các hội thi lớn như "Bé với an toàn giao thông", dành cho tất cả trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ và tạo sân chơi lành mạnh, giúp cho các em có kiến thức liên quan đến an toàn giao thông. Cuộc thi được truyền tải một cách tự nhiên, sinh động, đa dạng qua nhiều hình thức như: Tiểu phẩm, tình huống giao thông, phần thi trả lời câu hỏi, phần thi tham gia giao thông trên đường. Qua đó xây dựng văn hóa giao thông, ý thức tham gia giao thông an toàn bắt đầu từ thế hệ trẻ.

Những thắc mắc của các em về Luật an toàn giao thông đều được giải đáp

Những thắc mắc của các em về Luật an toàn giao thông đều được giải đáp

"Tổ tuyên truyền của chúng tôi còn đến trường học các cấp (từ mầm non, THCS, THPT, đại học) để tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, tờ hỏi đáp, đồng thời lan tỏa những hành động đẹp như: Trao học bổng khuyến học cho 13 cháu có hoàn cảnh khó khăn, mỗi cháu 2 triệu đồng, trao 30 suất quà là đồ dùng học tập cho các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thân thiện, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho trẻ" - Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở phòng PC08 chia sẻ.

Mục đích của Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Công an tỉnh Hải Dương là nhằm tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho trẻ em. Qua đó, giúp các em hiểu biết và có thói quen ban đầu trong việc chấp hành Luật giao thông. Đồng thời, giúp giáo viên nhà trường thực hiện tốt nội dung giáo dục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn giao thông đến với cộng đồng, xây dựng hình ảnh đẹp và giúp học sinh hiểu và yêu lực lượng cảnh sát giao thông.

Các biển báo an toàn giao thông được tuyên truyền trực tiếp đến các em học sinh

Các biển báo an toàn giao thông được tuyên truyền trực tiếp đến các em học sinh

Xác định rõvai trò của các em học sinh, phụ huynh và nhà trường

Theo trung tá Đinh Hà Vân: "Để trẻ em không vi phạm pháp luật, an toàn luật giao thông, theo tôi, việc đầu tiên là xác định rõ vai trò của các em học sinh, phụ huynh và nhà trường trong việc thực hiện pháp luật và luật giao thông. Không chỉ nằm ở vai trò là người thực hiện, chịu sự chi phối của các quy phạm pháp luật, mà chính các em, phụ huynh và nhà trường là những nhân tố tích cực, các tuyên truyền viên, là người thực hiện đồng thời là người giám sát, là nhân tố trung tâm để xây dựng văn hóa giao thông và thói quen tham gia giao thông an toàn".

Bên cạnh đó, những người lớn gần gũi với trẻ em mỗi ngày như thầy cô, anh chị em hay người hàng xóm cũng cần thể hiện những hành vi gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật và an toàn giao thông. Khi các em thấy người lớn luôn chấp hành luật lệ giao thông, các em sẽ noi theo.

Đặc biệt, việc giáo dục từ gia đình cũng rất quan trọng. Phụ huynh nên tạo môi trường gia đình an toàn, là nơi đầu tiên truyền đạt những quy tắc, giá trị về pháp luật và an toàn giao thông cho trẻ em. Bằng việc kể chuyện, giải thích hậu quả của việc vi phạm, cùng các em tham gia các hoạt động thực tế (như đi bộ, tham gia giao thông an toàn cùng phụ huynh), sẽ giúp trẻ em hiểu và nhớ luật an toàn giao thông hơn, để nhắc nhở kịp thời khi trẻ em có hành vi không đúng đắn.

Ngoài ra, việc tích hợp giáo dục pháp luật và an toàn giao thông vào nhà trường cũng rất cần thiết. Nhà trường cần thiết kế các bài giảng, hoạt động ngoại khóa, hoặc các buổi diễn tập về an toàn giao thông và ý thức chấp hành pháp luật. Việc này không chỉ giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của những quy định, mà còn tạo điều kiện thực hành, rèn luyện kỹ năng đối phó với các tình huống trên đường. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan cơ quan chức năng, giao lưu với cảnh sát giao thông hoặc các chuyên gia sẽ giúp trẻ có cái nhìn thực tế, trực tiếp về hậu quả của việc vi phạm luật lệ.

Sau mỗi buổi giao lưu, các bé gái đều có ước muốn sau này là chiến sĩ cảnh sát giao thông

Sau mỗi buổi giao lưu, các bé gái đều có ước muốn sau này là chiến sĩ cảnh sát giao thông

Điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của bản thân mỗi trẻ em. Các em cần được giáo dục để hiểu rằng việc tuân thủ pháp luật và giao thông không chỉ là quy định, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với bản thân và cộng đồng. Từ nhỏ, trẻ nên được rèn luyện thói quen nhìn nhận và suy nghĩ về hậu quả hành động của mình. Các em cần được hướng dẫn cách nhận biết các biển báo giao thông, cách xử lý tình huống khi tham gia giao thông và biết bảo vệ bản thân.

"Chúng tôi cho rằng, sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và chính bản thân trẻ em là chìa khóa để xây dựng một môi trường an toàn và văn minh. Mỗi bên cần nỗ lực không ngừng để giáo dục, hướng dẫn và làm gương cho trẻ em. Từ đó, giúp trẻ em phát triển toàn diện, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội tuân thủ pháp luật và đảm bảo an toàn giao thông" - trung tá Đinh Hà Vân nhận định.

Hải Linh (thực hiện), Ảnh: PNCAHD

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lo-lang-khi-nhom-hanh-vi-lua-tuoi-hoc-sinh-vi-pham-trat-tu-an-toan-giao-thong-bi-tap-trung-xu-ly-20250209121948299.htm
Zalo