Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Giữa khúc giao mùa cuối xuân, đầu hạ, những cánh đồng lúa lại rạo rực vào thì con gái, chuẩn bị cho hành trình sinh trưởng mới giữa những mong ngóng, đợi chờ của người nông dân.

Cánh đồng tập trung thôn Hoa Thám (xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) trải rộng như một tấm thảm xanh, đầy sức sống. Đây là lần đầu tiên, bà con thôn Hoa Thám được sản xuất 1 giống, 1 thời vụ với phương thức mạ khay máy cấy theo hướng hữu cơ trên cánh đồng tập trung gần 8 ha.

 Bà con nông dân thôn Hoa Thám (Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) trên cánh đồng sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bà con nông dân thôn Hoa Thám (Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) trên cánh đồng sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bao mùa lúa trổ đã đi qua nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Tiến Kỳ (thôn Hoa Thám) lại mang tâm trạng hồi hộp, mong ngóng dõi theo từng thay đổi của cây lúa như năm nay.

Ông Kỳ chia sẻ: “Đây là vụ mùa đầu tiên gia đình tôi thử nghiệm sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ nên không tránh khỏi lo lắng. Việc điều chỉnh độ nước mặt ruộng sao cho hợp lý nhằm hạn chế cỏ dại, bón phân đúng cách và xử lý sâu bệnh đều cần phải tìm hiểu và thực hành một cách tỉ mỉ. Hơn 2 tháng qua, tôi “ăn ngủ” cùng đồng ruộng, cứ phải ra đồng kiểm tra thường xuyên thì mới yên tâm được. Nhìn những cây lúa cứng cáp, lá xanh mướt, chuẩn bị làm đòng, bà con ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi”.

Huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong thực chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp theo chủ trương “dồn điền, đổi thửa”. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, huyện đã thực hiện chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất đạt 1.491,3 ha.

 Nông dân thường xuyên thăm đồng để theo dõi sự sinh trưởng của lúa xuân.

Nông dân thường xuyên thăm đồng để theo dõi sự sinh trưởng của lúa xuân.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nhờ vào sự đồng bộ trong các giải pháp kỹ thuật và bám sát lịch thời vụ, hiện tại, lúa xuân đang phát triển tốt, dự kiến trổ tập trung và đồng đều, đảm bảo theo khung lịch thời vụ. Trên cơ sở các cánh đồng lớn, đồng nhất về hạ tầng, địa phương chú trọng mở rộng diện tích sản xuất lúa sử dụng công nghệ máy cấy, mạ khay liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp tại các địa phương; xây dựng mô hình lúa cá theo hướng hữu cơ tại xã Cẩm Quang và xã Cẩm Lạc… Đây là các mô hình trình diễn ứng dụng KHKT vào sản xuất, kỳ vọng sẽ tạo thêm những đột phá trong phát triển nông nghiệp ở địa phương”.

Tháng Tư, màu xanh trù phú cũng đang gọi về sức sống căng tràn trên những cánh đồng của xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân). Khác với những vụ lúa trước, vụ xuân 2025 mang lại ý nghĩa đặc biệt hơn đối với nhiều nông dân trong xã. Bởi, những cánh đồng đã được thực hiện chuyển đổi ruộng đất gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên quy mô toàn xã.

Ông Nguyễn Đức Khánh - Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh cho biết: “Với cánh đồng lớn, quy hoạch bài bản, sản xuất một thời vụ, nhờ đó, rút ngắn thời gian chăm sóc, lấy nước, phun trừ sâu bệnh. Chúng tôi đang chỉ đạo bà con nông dân chú trọng bám đồng, tập trung bón thúc đòng với lượng cân đối giúp lúa xuân sinh trưởng tốt, làm đòng thuận lợi”.

 Nông dân huyện Can Lộc phun phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân.

Nông dân huyện Can Lộc phun phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân.

Vụ xuân 2025, Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo tiếp tục đi vào chiều sâu. Toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ được hơn 10.120 ha đất nông nghiệp, đạt 67,47% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM theo hướng hiện đại, bền vững.

 Lúa xuân tại Hà Tĩnh phát triển tốt, đang trong giai đoạn làm đòng - đứng cái.

Lúa xuân tại Hà Tĩnh phát triển tốt, đang trong giai đoạn làm đòng - đứng cái.

Trông ngóng ngày lúa đơm bông, bà con khấp khởi mừng vui nhưng cũng còn không ít nỗi lo. Bởi thời điểm này, thời tiết còn nhiều bất lợi, hình thái mưa, nắng đan xen, độ ẩm không khí cao… là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh như đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh và lây lan trên diện rộng.

Tỷ mẩn vạch từng thân lúa kiểm tra sâu bệnh, bà Phan Thị Hương (thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) cho biết: “Đợt gió mùa vào cuối tháng 3 vừa rồi gây mưa diện rộng, kèm theo nhiệt độ giảm sâu khiến các bào tử nấm bệnh như đạo ôn, khô vằn... tiếp tục phát tán và có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Những ngày này, chúng tôi phải tích cực bám đồng để theo dõi diễn biến của sâu bệnh, phòng trừ kịp thời”.

 Ngành chuyên môn huyện Cẩm Xuyên theo dõi diễn tiến bệnh đạo ôn trên lúa xuân.

Ngành chuyên môn huyện Cẩm Xuyên theo dõi diễn tiến bệnh đạo ôn trên lúa xuân.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, vụ xuân 2025, Hà Tĩnh sản xuất hơn 59.000 ha lúa, hiện đang trong giai đoạn làm đòng - đứng cái. Đây là thời điểm then chốt trong quá trình sinh trưởng của cây lúa, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cuối vụ.

Vì thế, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo; kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, cánh đồng, vùng sinh thái, loại giống để chỉ đạo, hướng dẫn phun phòng bệnh, đặc biệt chú trọng những diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: VNR20, Thái Xuyên 111, ADI 168, Hương Bình, P6,... trên số diện tích vừa qua nhiễm đạo ôn lá và vùng có nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, khuyến cáo, tuyên truyền bà con nông dân chú trọng tập trung vào khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để tối ưu hóa năng suất.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/lua-thi-con-gai-cho-ngay-dom-bong-post285536.html
Zalo