Theo thống kế của UBND xã Trung Giã, trên địa bàn xã có 230 ha ruộng lúa bị đổ và ngập úng nước, trong đó thiệt hại nặng nhất là diện tích lúa tại thôn An Lạc là 109,36 ha, thôn Hòa Bình là 30 ha.
Chủ tịch UBND xã Trung Giã Khổng Văn Hoàn cho biết, đa phần diện tích lúa trên địa bàn xã ngập hơn 10 ngày nên lúa bị chết, không thể "cứu" được.
Sau hơn 10 ngày chìm trong nước ngập cánh đồng lúa thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn trở thành cánh đồng chết những cây lúa thối rữa.
Khó có thể nhận ra đồng lúa sắp đến ngày gặt của nông dân trước lũ nay trở nên xám xịt bốc mùi hôi thối.
Những thân lúa chuyển màu nâu xám thối rữa, đầy bùn và nước.
Lúa chết thối ngập trong bùn lũ, nông dân đau xót khi mất trắng đúng vào thời điểm lúa bắt đầu vào vụ gặt.
Cây lúa bị chết cùng với xác các loài sinh vật trong ruộng bị phân hủy khiến cánh đồng bốc mùi thối rữa.
Chị Trần Thị Lộc (45 tuổi) ở thôn An Lạc cho biết, từ bé đến giờ chưa bao giờ chứng kiến trận lụt nào lớn như vậy, ra đồng giờ tan hoang hết chỉ có mùi thối của cây lúa chết. "Toàn bộ 4 sào lúa của gia đình bị ngập thối hết thiệt hại khoảng 10 triệu đồng" - chị Lộc nói.
Ra đồng thu dọn, vệ sinh trang trại ngoài cánh đồng sau khi nước lũ rút, bà Nguyễn Thị Thủy thôn An Lạc cho biết: "Nước lũ lên nhanh gia đình chỉ kịp chạy được một ít ngan, gà còn khoảng gần 1 tấn cá dưới ao bị trôi mất hết, tính cả diện tích lúa khoảng 6 sào. Sơ bộ thiệt hại cũng khoảng 60 triệu đồng".
Khu trang trại của bà Lộc ngoài cánh đồng tan hoang sau khi nước rút.
Lãnh đạo xã Trung Giã cho biết, để hỗ trợ nông dân sớm ổn định sản xuất, chuẩn bị vào vụ mùa mới, hiện UBND xã đang phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn hướng dẫn nông dân rắc bột bio khử khuẩn vệ sinh môi trường trên các cánh đồng.
Những người nông dân "thất bát" sau vụ lụt lịch sử rất mong muốn được chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí để vượt qua khó khăn.
Đỗ Hưng/VOV.VN