Lừa đảo qua mạng 'nở rộ', ngân hàng khuyên gì?

Để tránh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản, các ngân hàng đề nghị người dùng không chia sẻ thông tin cá nhân, đồng thời tránh truy cập đường link hay ứng dụng lạ.

 Người dùng cần tránh chia sẻ thông tin cá nhân và cài đặt ứng dụng lạ. Ảnh: Shutter Stock.

Người dùng cần tránh chia sẻ thông tin cá nhân và cài đặt ứng dụng lạ. Ảnh: Shutter Stock.

Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, hàng loạt ngân hàng đã phát cảnh báo tới khách hàng.

Gần đây nhất, Agribank cho biết các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau với số tài khoản ngân hàng của cá nhân/tổ chức (thường là số điện thoại của người dùng).

Trong đó, phổ biến nhất là nhập sai mật khẩu nhiều lần trên ứng dụng/website ngân hàng để khóa tài khoản. Sau đó, kẻ gian gọi điện thoại cho khách hàng, tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ mở khóa tài khoản.

Kẻ gian cũng có thể giả mạo là công an, tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1 để giới thiệu cài đặt dịch vụ công tích hợp điểm giao thông.

Chiêu thức của kẻ gian vẫn là dụ dỗ người dùng truy cập vào đường link lạ hoặc cài đặt ứng dụng giả mạo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP, hình ảnh 2 mặt căn cước, thẻ ngân hàng, thông tin các giao dịch gần nhất…).

"Mục tiêu của kẻ gian là chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản", nhà băng này cảnh báo.

Theo khuyến cáo của Agribank, khách hàng không nên truy cập đường link lạ và cài đặt ứng dụng lạ. Đồng thời, hạn chế đưa thông tin cá nhân như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng, hình ảnh giấy tờ tùy thân lên các trang mạng xã hội.

Khách hàng cần cảnh giác với những cuộc gọi tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Ngân hàng VPBank cũng đề nghị khách hàng tuyệt đối bảo mật mã PIN, OTP, không cung cấp cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Bên cạnh đó, không nên lưu lại tên đăng nhập và mã khóa bí mật, mã PIN của tài khoản ngân hàng trên các trình duyệt. Khách hàng cũng tránh sử dụng các thiết bị di động đã bị phá khóa để tải và sử dụng phần mềm trực tuyến, phần mềm tạo OTP.

VPBank khuyến cáo khách hàng cài đặt đầy đủ các bản vá lỗ hổng bảo mật của hệ điều hành, phần mềm ứng dụng Mobile Banking, xem xét cài đặt phần mềm phòng chống mã độc và cập nhật mẫu nhận diện mã độc mới nhất trên thiết bị cá nhân sử dụng để giao dịch.

Đồng thời, người dùng cần thay đổi mật khẩu đăng nhập thường xuyên và không lưu thông tin tài khoản ở bất cứ đâu. Đặc biệt, khách hàng không nên sử dụng máy tính công cộng để truy cập, thực hiện giao dịch, không nên sử dụng wifi công cộng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Bổ sung thêm, Vietcombank khuyến nghị khách hàng thiết lập mật khẩu, mã PIN theo đúng hướng dẫn khi đăng ký dịch vụ; không nên sử dụng thông tin cá nhân dễ đoán để làm mật khẩu; thay đổi mật khẩu, mã PIN thường xuyên (tối thiểu 12 tháng/lần).

Vietcombank còn khuyến nghị khách hàng lựa chọn các hình thức xác nhận giao dịch có mức độ an toàn, bảo mật theo quy định và phù hợp với nhu cầu về hạn mức giao dịch cũng như cài đặt đầy đủ các bản vá lỗ hổng bảo mật hệ điều hành của thiết bị và của ứng dụng ngân hàng số.

Trong trường hợp phát hiện rủi ro, khách hàng cần thông báo kịp thời cho công an/ngân hàng khi phát hiện các giao dịch bất thường.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/lua-dao-qua-mang-no-ro-ngan-hang-khuyen-gi-post1531899.html
Zalo