Lựa chọn tổ hợp môn học cho học sinh lớp 10:còn nhiều băn khoăn

Sau khi “vượt vũ môn” vào trường THPT, không ít phụ huynh, học sinh băn khoăn, lo lắng khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10. Bởi theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, thay vì học tất cả các môn học như chương trình GDPT 2006 trước đây, học sinh chỉ học 8 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương; Lịch sử. Bên cạnh các môn bắt buộc, các em được lựa chọn 4 môn học theo năng lực, sở thích trong số 9 môn: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các em chỉ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Do vậy, việc quyết định lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 sẽ ảnh hưởng lớn đến định hướng nghề nghiệp sau này.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) tham gia buổi tư vấn nghề nghiệp.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) tham gia buổi tư vấn nghề nghiệp.

Với các bậc phụ huynh vừa có con thi đỗ lớp 10 năm học 2024-2025, đây là lần đầu tiên cha mẹ cùng con tiếp cận chương trình mới nên không tránh khỏi lo lắng. Chị Trần Thanh Thủy ở tổ dân phố số 8, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) cho biết: “Tôi rất lo lắng, bởi nếu không may con chọn tổ hợp chưa phù hợp thì có được thay đổi không, hay phải tiếp tục học trong cả ba năm THPT?”.

Thực tế cho thấy, việc không bắt buộc học tất cả các môn học trong chương trình mới giúp giảm tải cho học sinh, nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ khi đặt các em và gia đình đứng trước sự lựa chọn không dễ dàng. Bởi thực tế trước đây, sau thời gian học tập chương trình mới ở cấp THPT, một số học sinh nhận thấy mình lựa chọn tổ hợp môn chưa phù hợp và xin đổi tổ hợp. Tuy nhiên, quá trình thay đổi gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Theo ban giám hiệu một số nhà trường phản ánh, dù đã triển khai được hai năm học, nhưng phần lớn phụ huynh và học sinh vẫn còn rất bỡ ngỡ, do thông tin về các tổ hợp đến với phụ huynh đều không được cập nhật, do đó, phụ huynh không hiểu rõ. Điều này khiến cả phụ huynh và học sinh cảm thấy lo lắng, bất an về tương lai con em mình khi chưa hiểu rõ thông tin tuyển sinh, thông tin chọn ngành, chọn nghề, chọn môn theo chương trình mới. Ngoài ra, một số khó khăn khác gặp phải như: Nhiều học sinh chưa xác định được chính xác năng lực của bản thân nên lựa chọn tổ hợp theo phong trào; có học sinh lại lựa chọn tổ hợp theo định hướng của cha mẹ, chưa thực sự căn cứ vào năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của bản thân; có học sinh lại lựa chọn theo nhóm bạn nên khi vào học mới thấy khó, không phù hợp. Số lượng học sinh đăng ký các tổ hợp môn học lựa chọn có sự chênh lệch đáng kể, mặt khác, sau một năm học, một số em lại chuyển đổi sang tổ hợp môn học khác, gây khó khăn tới việc xếp lớp, khó khăn trong công tác tổ chức và làm xáo trộn kế hoạch giáo dục của nhà trường...

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đối với các Sở GD và ĐT: việc lựa chọn môn học của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Tuy nhiên, “trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD và ĐT” (Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD và ĐT). Với học sinh, khi chuyển đổi môn học, cần có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của các môn học mới, có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh, và các em sẽ làm một bài kiểm tra, nếu đủ điều kiện sẽ được thay đổi tổ hợp (Công văn 68/2023/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT). Tuy nhiên, với đa số các em, việc bổ sung kiến thức rất khó khăn vì đã bỏ môn học 1, 2 năm. Chưa kể còn có những trường hợp học sinh lớp 10, 11 xin đổi từ tổ hợp Khoa học tự nhiên sang tổ hợp Khoa học xã hội và ngược lại. Điều này gây không ít khó khăn cho chính các em và các nhà trường. Em Nguyễn Minh Châu, học sinh lớp 12 một trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định cho biết: “Từ trải nghiệm lựa chọn tổ hợp chưa phù hợp năng lực bản thân, em thấy rằng yếu tố đầu tiên khi lựa chọn tổ hợp là phải nhận thức rõ về năng lực thực chất của mình. Tiếp theo, nên tìm hiểu về yêu cầu của các ngành nghề đào tạo mà mình dự định theo học, tránh chạy theo số đông mà phải thay đổi giữa chừng rất mệt mỏi, vất vả. Mặt khác, nên xem xét các phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD và ĐT để xác định tổ hợp môn học mình muốn và có khả năng theo học, từ đó lựa chọn phù hợp định hướng nghề nghiệp”.

Đứng trước những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng cũng như lo lắng của không ít gia đình học sinh, năm học này, sau khi thông tin kỹ về các tổ hợp môn học, các nhà trường đều lưu ý học sinh lựa chọn các tổ hợp môn học để duy trì ổn định trong suốt 3 năm học, tránh phải thay đổi giữa chừng. Thầy Bùi Văn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT An Phúc (Hải Hậu) chia sẻ: Xác định công tác tư vấn tuyển sinh, tư vấn về lựa chọn tổ hợp môn lựa chọn và các chuyên đề học tập phù hợp với năng lực, khả năng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh là rất quan trọng, vì vậy nhà trường thường xuyên phổ biến và yêu cầu mọi cán bộ, giáo viên (đi đầu là các đồng chí trong Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, Bí thư Đoàn trường) phải có trách nhiệm tư vấn hướng nghiệp và tư vấn cho học sinh đăng ký, lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Trước kỳ thi tuyển sinh vào 10, nhà trường đã xây dựng, công khai về kế hoạch tuyển sinh, về các điều kiện giáo dục, công bố về các tổ hợp môn lựa chọn và các chuyên đề học tập để cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và những người quan tâm đến công tác tuyển sinh của nhà trường được biết. Ngay sau khi có kết quả duyệt trúng tuyển vào lớp 10 của Sở GD và ĐT, nhà trường tiến hành tập trung thí sinh trúng tuyển để phổ biến về chương trình giáo dục, phổ biến về các tổ hợp môn lựa chọn và các chuyên đề học tập, tư vấn, gợi mở để học sinh và phụ huynh học sinh đăng ký, lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Việc tổ chức tập trung học sinh sớm giúp học sinh và phụ huynh có nhiều thời gian để nghiên cứu và quyết định lựa chọn tổ hợp môn học cho phù hợp.

Tại Trường THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên), vào những ngày tổ chức xác nhận nhập học, trường đã bố trí các bàn thông tin, tư vấn về chương trình học, đặc biệt là về các môn học lựa chọn. Khi học sinh đã xác nhận nhập học, các trường tăng cường thông tin, tuyên truyền, giới thiệu và hỗ trợ phụ huynh và học sinh cùng tìm hiểu về những điểm mới của chương trình giáo dục khi vào lớp 10. Và thay vì tổ chức cho các em lựa chọn tổ hợp ngay trong ngày nhập học, trường đã lùi thời gian lựa chọn tổ hợp lại để phụ huynh và học sinh có thời gian tìm hiểu, cân nhắc, lựa chọn. Học sinh đăng ký và học thử nghiệm để hiểu biết hơn về môn học, sau đó, nhà trường sẽ cho các em điều chỉnh tổ hợp theo nguyện vọng. Tuy nhiên, khi chuyển tổ hợp, học sinh phải tự ôn tập và làm bài kiểm tra, nếu đủ điều kiện sẽ cho chuyển theo quy định.

Từ thực tế lựa chọn tổ hợp tại các nhà trường cho thấy, để học sinh lựa chọn tổ hợp phù hợp mong muốn, năng lực bản thân, tránh phải thay đổi giữa chừng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp. Tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của học sinh lớp 9 để chủ động chuẩn bị cho học sinh vào học lớp 10. Tăng cường tư vấn hướng nghiệp theo định hướng nghề nghiệp cấp THPT và tổ chức tư vấn cho phụ huynh, học sinh đăng ký, lựa chọn môn học phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT theo học các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường trung học; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh trung học.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202408/lua-chon-to-hop-mon-hoc-cho-hoc-sinh-lop-10con-nhieu-ban-khoan-3987094/
Zalo