Lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động sát với từng địa bàn, nhóm đối tượng

Đây là những vấn đề được các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận tại Tọa đàm 'Đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật' do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sáng nay (21-10).

Các ý kiến phát biểu, tham luận tại tọa đàm cũng đề cập nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả của Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị trong thực hiện Quyết định số 1371/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” (Đề án 1371); khẳng định vai trò, sự cần thiết của lực lượng QĐND trong công tác này.

Quân đội luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập Báo QĐND khẳng định, những năm tới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại và bảo vệ, phát triển đất nước, việc phát huy vai trò của Quân đội trong triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL cũng như công tác tuyên truyền, PBGDPL cho bộ đội và nhân dân càng trở nên cấp thiết. Bởi PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của các cơ quan, đơn vị. Đây cũng là bước đầu tiên của quá trình hình thành ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Từ tầm quan trọng của công tác này, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 1371, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp; ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày càng được nâng cao.

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: BẢO LONG

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: BẢO LONG

Đại tá Ngô Anh Thu nhấn mạnh: “Với vai trò là cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của LLVT và nhân dân Việt Nam, thời gian qua, Báo QĐND duy trì thường xuyên chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, PBGDPL trên các ấn phẩm, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phản ánh hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong toàn quân. Báo QĐND cũng phối hợp Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật trên Báo QĐND”. Cuộc thi diễn ra hằng năm, kết thúc mỗi năm tiến hành tổng kết và trao giải cho các cá nhân và tập thể. Với những nội dung rất thiết thực với cuộc sống và việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm thuận tiện, dễ tham gia, cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân cả nước tham gia, tạo hiệu ứng lan tỏa rất tích cực. Cuộc thi góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân tìm hiểu, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Tọa đàm hôm nay cũng là dịp để Báo QĐND lan tỏa những ý kiến tâm huyết, mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật của LLVT tỉnh Vĩnh Phúc”.

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: BẢO LONG

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: BẢO LONG

Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2 chia sẻ, nhằm góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để các địa phương trên địa bàn Quân khu tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1371 Quân khu 2 đã phối hợp với các cơ quan báo chí, lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an, các tổ chức chính trị xã hội, nhà trường tăng cường tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Các đơn vị của Quân khu 2 vừa làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, vừa tổ chức các hội nghị, tọa đàm, mạn đàm, sân khấu hóa; ra thông báo xét xử các vụ án gửi cơ quan, đơn vị làm tài liệu học tập... kết hợp với duy trì quản lý, kỷ luật. Nhờ đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giảm đáng kể các vụ việc vi phạm pháp, nhất là ở các tỉnh biên giới, vùng sâu, vùng xa và tình trạng buôn lậu, di cư tự do, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật...

Đại tá Hoàng Nam Chung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc, trung du với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng nên Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Trên địa bàn tỉnh có 41 dân tộc anh, em sinh sống, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường... Nhờ tốc độ phát triển, tăng trưởng kinh tế cao trong những năm qua nên đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trước tác động mặt trái của đời sống kinh tế - xã hội cùng với việc một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn, nhận thức không đồng đều, am hiểu pháp luật còn hạn chế nên đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác tuyên truyền, vận động cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Trước thực tế này, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL. Trong đó, việc chú trọng lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh.

Đại tá Hoàng Nam Chung khẳng định: “Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh nhận thức rõ việc tham gia tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của bản thân. Từ đó, từng đồng chí tự giác học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật; gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật. Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó, tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc về nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường tình cảm quân - dân, tô thắm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”.

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao.

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao.

Nắm chắc nhu cầu, lựa chọn hình thức phù hợp

Các ý kiến phát biểu cũng như tham luận gửi về tọa đàm đều khẳng định, việc quan tâm điều tra, khảo sát thực tế tình hình công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật; nhu cầu học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân tại cơ sở, nhất là tại những địa bàn khó khăn, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tại vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có ý nghĩa quan tới chất lượng, kết quả thực hiện Đề án 1371 những năm qua. Giai đoạn 2021-2024, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 huyện, thành phố tiến hành 9 lượt khảo sát thực tế tại 9 huyện, thành phố với 46 xã, phường, thị trấn. Từ đó, lựa chọn các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Ngoài các buổi phổ biến tập trung, trực tiếp; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tờ rơi, tờ gấp pháp luật, bản tin của cơ quan, đơn vị, khu dân cư... các đơn vị còn tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, diễn đàn, tọa đàm, sân khấu hóa; ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy ưu điểm của internet, mạng xã hội...

Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc cũng phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc sản xuất các chương trình truyền hình chuyên đề về pháp luật, quân sự và an ninh, lồng ghép các tình huống thực tế để người xem dễ hiểu và dễ nhớ; sản xuất các clip ngắn dễ tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ gần gũi, hình ảnh sinh động để truyền tải kiến thức pháp luật cho người dân để phát trên các nền tảng số. Phối hợp tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo trên sóng truyền hình với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan quân sự, nhằm thảo luận về các vấn đề pháp luật liên quan đến quốc phòng, an ninh. Khuyến khích người dân chia sẻ ý kiến, thảo luận về các vấn đề pháp luật thông qua các kênh truyền hình, mạng xã hội, từ đó thu hút sự quan tâm và nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân; thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá hiệu quả của các chương trình tuyên truyền để điều chỉnh nội dung và hình thức phù hợp với nhu cầu của người dân...

Đồng chí Đỗ Thị Hoàng Lan, Phó tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Đồng chí Đỗ Thị Hoàng Lan, Phó tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Trao đổi bên lề tọa đàm, Thượng tá Phùng Ngọc Tuấn, Chính trị viên Ban CHQS TP Vĩnh Yên cho rằng, để làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL rất cần tìm hiểu về thái độ của người dân đối với pháp luật để biết họ hiểu pháp luật như thế nào. Chỉ khi nắm bắt được nhu cầu và giải thích, phân tích cho người dân hiểu được rằng pháp luật không chỉ đơn thuần là các quy định cứng nhắc mà mỗi người phải tuân thủ hay là các chế tài, hình phạt mà còn là các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội, xây dựng xã hội ngày càng văn minh... thì công tác tuyên truyền mới đạt hiệu quả cao, người dân sẽ tích cực lắng nghe và tự giác chấp hành.

Thời gian qua, đơn vị tập trung tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Dự bị động viên, Luật Quốc phòng, Luật Quản lý các công trình quân sự, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đất đai năm 2024, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tiếp công dân... “Chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu là các nội dung tuyên truyền phải bảo đảm tiêu chí “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”. Hiện nay, hình thức tuyên truyền, PBGDPL của thành phố chủ yếu là tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, truyền hình, qua loa phát thanh ở các xã, phường; hệ thống băng rôn, áp phích, khẩu hiệu. Qua thực tế, thời gian tuyên truyền qua loa phát thanh cũng được điều chỉnh vào các khung giờ trưa (11-12 giờ) hoặc chiều tối (17-18 giờ), là thời điểm người dân nghỉ ngơi và có điều kiện lắng nghe, tiếp nhận thông tin”, Thượng tá Phùng Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Tại huyện Sông Lô, trước khi tiến hành công tác tuyên truyền, Ban CHQS huyện đều phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương để khảo sát nhu cầu của từng nhóm đối tượng thông qua: Các buổi họp tiếp công dân; phản ánh trực tiếp của người dân tới các cơ quan; khảo sát bằng phiếu trắc nghiệm; hội nghị sinh hoạt, hội họp; thi tìm hiểu; qua quá trình cử cán bộ trực tiếp đi nắm tình hình… Từ đó, huyện Sông Lô lựa chọn: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Dân quân tự vệ, Luật Dự bị động viên, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Giao thông đường bộ... cùng các chính sách liên quan đến Quân đội và hậu phương Quân đội để xác định nội dung trọng tâm và hình thức, phương pháp tuyên truyền cho phù hợp. Kết quả khảo sát cũng cho thấy: Hầu hết người dân đều có nhu cầu thường xuyên được tư vấn, PBGDPL; hình thức, nội dung, phương pháp, thời điểm tuyên truyền tương đối phù hợp; nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội không ngừng được nâng lên.

Thượng tá Nguyễn Đăng Hanh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Sông Lô nói thêm: “Tuy nhiên, người dân còn chưa hiểu sâu, hiểu toàn diện và chưa chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức pháp luật nói chung. Chẳng hạn như, vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ; chính sách Quân đội và hậu phương Quân đội; chính sách bảo hiểm y tế đối với quân nhân và thân nhân cán bộ Quân đội… chỉ khi nào phải giải quyết một việc nào đó liên quan thì mới đi hỏi, đi tìm hiểu. Vì thế, công tác khảo sát sẽ được chúng tôi tiến hành thường xuyên hơn nữa để biết người dân thiếu thông tin gì. Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động cũng phải được tiến hành liên tục đi đôi với kiên quyết chống các biểu hiện thờ ơ, khoán trắng, làm qua loa, thanh toán chương trình”.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: BẢO LONG

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: BẢO LONG

Hiệu quả thiết thực

Giai đoạn 2021-2024, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 282 buổi phổ biến tập trung, trực tiếp, nói chuyện pháp luật, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật tại 136 xã, phường, thị trấn với hơn 29.300 lượt người dân tham gia; cung cấp hơn 16.800 các loại tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật; tuyên truyền hơn 600 buổi trên hệ thống truyền thanh nội bộ cấp huyện, xã và trong cơ quan, đơn vị; thông qua hơn 5.600 bảng, biểu, biểu ngữ, tranh cổ động niêm yết tại cơ quan, đơn vị và khu dân cư. Đơn vị cũng phối hợp với Sở Tư pháp mở 24 lớp bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật cho 2.750 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực; PBGDPL cho hơn 6.340 lượt cán bộ, chiến sĩ dự bị động viên và hơn 31.420 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ trong thời gian huy động tham gia huấn luyện hằng năm... Công tác PBGDPL được đẩy mạnh, dần đi vào nền nếp đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ tích cực cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Phương, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô cho biết, xã có hai khu công nghiệp, một cụm công nghiệp nên đời sống kinh tế - xã hội luôn sôi động. Tuy nhiên, nhờ quan tâm công tác PBGDPL, nhất là việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, trong đó có sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Ban CHQS xã nên xã Đồng Thịnh luôn ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế các tệ nạn xã hội, ít tranh chấp, vi phạm pháp luật, góp phần để địa phương tập trung hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm. Hằng năm, các tổ hòa giải tham gia hòa giải các vụ việc tại cơ sở đạt từ 80% đến 85% vụ việc được hòa giải thành công, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo và khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Ninh Chí Phương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Vĩnh Tường kể câu chuyện khi đi tư vấn tuyển sinh quân sự năm 2024 đối với học sinh trung học phổ thông trên địa bàn. Theo đó, ngoài thông tin tuyển sinh, đơn vị khéo léo lồng ghép, khơi dậy niềm tự hào truyền thống quê hương với trách nhiệm của thanh niên, học sinh với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc để khơi dậy ước mơ, khát vọng, lý tưởng cống hiến cho các em. Vì vậy, năm 2024 đã có 52 thí sinh đăng ký tuyển sinh quân sự, tăng 67% so với năm 2023 và có 18 thí sinh trúng tuyển vào các học viện, nhà trường trong Quân đội. Đặc biệt, có những em học sinh giỏi tiêu biểu vượt khó, gia đình thuộc diện hộ nghèo như em Ngô Thị Thắm (Trường THPT Lê Xoay) là học sinh giỏi xuất sắc, được tuyển thẳng vào Học viện Quân y.

Thượng tá Ninh Chí Phương chia sẻ thêm: “Đặc biệt, mô hình điểm về “Tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở” trên địa bàn xã Yên Lập đã góp phần tư vấn, giải đáp nhiều vướng mắc về pháp lý cho nhân dân. Trong quá trình thực hiện, cán bộ Ban CHQS huyện đã phối hợp với cán bộ tư pháp xã, Ban CHQS xã Yên Lập kịp thời tư vấn, giải quyết tốt mâu thuẫn giữa các cá nhân có tranh chấp về pháp lý liên quan đến đất đai, hôn nhân và gia đình. Như trường hợp vợ chồng anh K.V.T (sinh 1973) và chị B.T.L (sinh 1975), do kinh tế khó khăn lại nuôi 3 con nhỏ đi học nên thường xuyên xảy ra cãi vã, xung đột và mâu thuẫn, có nguy cơ đổ vỡ gia đình. Sau khi được “Tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở” kiên trì giải thích, phân tích những nội dung liên quan đến pháp luật về hôn nhân và gia đình, về chống bạo hành, tư vấn tâm lý, nhất là về mối quan hệ, trách nhiệm và tình yêu thương với các con, hai anh chị đã bình tĩnh suy xét, làm hòa và gắn kết trở lại, yêu thương, chung vai gánh vác trách nhiệm đối với gia đình… Kết quả đó vừa là niềm vui đối với gia đình hai bên, làng xóm và cũng là niềm vui, sự động viên khích lệ đối với chúng tôi”.

Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà bày tỏ: “Quân khu 2 là địa bàn rộng, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, cũng là địa bàn các đối tượng thù địch tập trung chống phá. Vì thế, thời gian tới, LLVT quân khu và Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc cần tăng cường với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trong và ngoài Quân đội, báo chí quan tâm tuyên truyền sâu sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến cán bộ, chiến sĩ và người dân như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giao thông đường bộ... Công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật phải bằng nhiều hình thức, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân “dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người”. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý nghĩa, vai trò, tầm quan trong của công tác PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm của chỉ huy các cấp, nhất là Ban Chỉ đạo 1371 các tỉnh; phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp của quân khu; gắn tuyên truyền, PBGDPL với duy trì nghiêm chế độ, nền nếp chính quy, kỷ luật; thực hiện nghiêm minh để cán bộ, chiến sĩ chấp hành tốt. Thời gian tới, chúng tôi cũng mong Báo QĐND tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị của quân khu tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, mạn đàm, tìm hiểu pháp luật; Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân”.

ĐỨC THỊNH - ĐỨC TUẤN (tổng thuật)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/lua-chon-noi-dung-hinh-thuc-tuyen-truyen-van-dong-sat-voi-tung-dia-ban-nhom-doi-tuong-799397
Zalo