Lựa chọn khó khăn
Chưa bao giờ một cuộc bầu cử quốc hội liên bang ở Đức lại thu hút sự quan tâm của cử tri trong nước cũng như dư luận quốc tế như lần này.

Lãnh đạo đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Đức Friedrich Merz (giữa) mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, tại Berlin ngày 23/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Diễn ra sớm 7 tháng so với kế hoạch, nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt mức kỷ lục 82,5%, cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất năm 1990. Đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy người dân đang hết sức kỳ vọng và mong chờ một chính phủ mới có đủ tầm để giải quyết những vấn đề đã đẩy liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đến tình trạng tan rã, tác động không chỉ đến toàn Liên minh châu Âu (EU) mà còn ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị toàn cầu.
Sự sụp đổ của liên minh “đèn giao thông” mới tồn tại được hơn 3 năm hồi tháng 11 năm ngoái, mà nguyên nhân là do không giải quyết được những bất đồng sâu sắc về ngân sách và việc giải tán quốc hội liên bang sau đó (ngày 27/12/2024) đã đưa nước Đức đến cuộc bầu cử sớm hơn dự kiến. Sau chiến dịch vận động tranh cử, dù có tới 29 đảng có tên trong lá phiếu, song cuộc đua trên thực tế chỉ dành cho 6 đảng.
Mặc dù thấp hơn kết quả thăm dò chút ít, nhưng không nằm ngoài dự đoán, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ đã về nhất với 28,5% số phiếu ủng hộ, giành 208 ghế trong Quốc hội liên bang. Tiếp đến là đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) với 20,8% số phiếu, chiếm 152 ghế. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz nhận được 16,4% số phiếu ủng hộ và giành 120 ghế.
Các chính đảng khác có chân trong quốc hội lần lượt là đảng Xanh (85 ghế), đảng Cánh tả (64 ghế). Đây là những chính đảng giành được ít nhất 5% số phiếu ủng hộ cần thiết để có ghế trong quốc hội. Với kết quả này, ông Friedrich Merz, 69 tuổi, lãnh đạo CDU/CSU, dự kiến thay thế Thủ tướng Scholz và trở thành lãnh đạo tiếp theo của Đức.
Có thể nói, kể từ ngày lập quốc năm 1949 và đặc biệt từ khi tái thống nhất năm 1990, chưa bao giờ kết quả bầu cử quốc hội liên bang tại Đức lại khó lường như lần này, và điều đó khiến các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới càng khó khăn. Lần đầu tiên trong lịch sử, đảng cực hữu AfD trở thành lực lượng mạnh thứ hai trong quốc hội. Đối với SPD, đây là kết quả thấp nhất kể từ khi nước CHLB Đức ra đời. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng lần đầu tiên kể từ năm 2013 không vượt qua mốc 5% để có chân trong quốc hội.
Chính phủ mới cần có đa số ít nhất 316 ghế trong số 630 ghế tại Quốc hội liên bang. Lặp lại một liên minh 3 bên là điều không ai mong muốn, nhất là sau sự tan rã của liên minh "đèn giao thông". Một chính phủ chỉ 2 đảng là giải pháp khả thi và đang được mong chờ nhất hiện nay. Về mặt số lượng, một liên minh giữa CDU/CSU và AfD có thể đáp ứng yêu cầu (360 ghế).
Tuy nhiên, lãnh đạo liên minh bảo thủ Friedrich Merz đã loại trừ khả năng liên minh với AfD, khẳng định rằng đây là “bức tường lửa” đối với phe cực hữu. Ông để ngỏ khả năng hợp tác với SPD để thành lập chính phủ liên minh với tổng cộng 328/630 ghế. Lãnh đạo CDU tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để đạt thỏa thuận thành lập chính phủ trước thời hạn ngày 20/4, đồng thời kêu gọi các đồng minh tiềm năng cần đối thoại nhanh.
Tuy nhiên, những bế tắc liên quan đến việc phân bổ vị trí bộ ngành, cùng những bất đồng sâu sắc liên quan đến các vấn đề kinh tế, nhập cư và cách đối phó với làn sóng cực hữu khiến việc thành lập chính phủ có thể kéo dài. Ví dụ trong vấn đề nhập cư, ông Merz có quan điểm cứng rắn, đề xuất triệt phá tình trạng nhập cư bất hợp pháp, muốn những người nước ngoài không có giấy tờ bị từ chối ngay ở biên giới.
Tương tự, đảng AfD cũng kêu gọi thiết lập một “bức tường thành” chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Trong khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz (đảng SPD) lại cáo buộc ông Merz tìm cách “chôn vùi châu Âu” với kế hoạch trên. Tiến trình thành lập chính phủ mới khó khăn đồng nghĩa với việc ông Scholz phải giữ vai trò tạm quyền trong nhiều tháng. Điều này sẽ tạo ra một khoảng trống lãnh đạo ngay tại trung tâm châu Âu. .
Trong khi đó, Đức phải tìm cách phục hồi nền kinh tế đang suy yếu sau hai năm suy thoái liên tiếp, tăng cường đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng vốn xuống cấp, cũng như đầu tư cho quốc phòng và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Về đối ngoại, Đức là bên ủng hộ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. SPD và CDU/CSU có quan điểm khác nhau về cung cấp vũ khí cho Ukraine. CDU/CSU muốn Đức cung cấp tên lửa Taurus có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, trong khi SPD thận trọng hơn vì cho rằng điều này gây rủi ro khiến Moskva phản ứng mạnh. Trong khi đó, AfD, đảng Cánh tả kêu gọi chấm dứt mọi hoạt động cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Merz từng tuyên bố sẽ tuân thủ yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) về việc chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Tiến sĩ Constanze Stelzenmüller, Giám đốc Trung tâm Brookings về Mỹ và châu Âu, nói rằng dựa trên tình hình hiện tại, việc xử lý quan hệ với Mỹ và Nga có thể là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính phủ mới.
Bà nhận định: “Nước Mỹ dưới thời ông Trump, Nga và Trung Quốc đang định hình lại môi trường chiến lược của châu Âu và Đức. Để duy trì khả năng hành động trong bối cảnh này, cần có sự thống nhất của châu Âu và một vai trò mạnh mẽ của Đức. Đây sẽ là một thách thức to lớn đối với chính phủ tiếp theo ở Berlin”.
Rõ ràng cuộc bầu cử lần này không chỉ mang ý nghĩa chính trị nội bộ mà còn là cơ hội để Đức định hình lại vai trò của mình trên trường quốc tế. Những quyết định của chính phủ mới sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng như sự ổn định của khu vực. Đức hiện đang đứng trước một lựa chọn lớn: vượt qua khủng hoảng để trở thành biểu tượng cho sự phát triển bền vững và đổi mới, hoặc tiếp tục đối mặt với sự trì trệ và mất đi vị trí đầu tàu.
Những thách thức không nhỏ vẫn đang đặt ra những yêu cầu lớn về sự lãnh đạo. Đức cần cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm quốc tế, giữa lợi ích trong nước và vai trò toàn cầu. Đây sẽ là phép thử quan trọng đối với chính phủ mới, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đảng phái chính trị và sự đồng thuận từ người dân. Một nước Đức mạnh mẽ, ổn định sẽ là động lực cho chính quốc gia này và cũng là điểm tựa cho cả châu Âu trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định. Điều đó đang phụ thuộc vào sự lựa chọn liên minh của CDU/CSU và các chính đảng có chân trong quốc hội liên bang.