Lựa chọn an toàn
Chủ đề của Ngày quốc tế Người di cư 18/12 năm nay là 'Tôn vinh những đóng góp của người di cư và tôn trọng quyền của họ'.
Di cư là một phần tất yếu của lịch sử nhân loại, nhất là trong quá trình toàn cầu hóa, và nếu được quản lý hiệu quả, đây sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chủ đề của Ngày quốc tế Người di cư 18/12 năm nay là "Tôn vinh những đóng góp của người di cư và tôn trọng quyền của họ", nhằm khẳng định cam kết bảo vệ quyền lợi chính đáng của người di cư, tạo điều kiện để họ phát huy tối đa tiềm năng và góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), năm 2024, thế giới sẽ có khoảng 296 triệu người di cư, tương đương 3,6% dân số toàn cầu. Sức ảnh hưởng của cộng đồng này ngày càng tăng với những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quê hương họ, tăng cường sự giao thoa văn hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết, kết nối giữa nơi đi và nơi đến. Ước tính khoảng 60% người di cư thuộc lực lượng lao động chủ chốt, trực tiếp tham gia quá trình sản xuất và tạo ra của cải cho xã hội.
Một trong những đóng góp kinh tế rõ rệt nhất của người di cư là dòng kiều hối gửi về quê hương, giúp cải thiện đời sống gia đình và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, giảm nghèo đói, cải thiện y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng kiều hối toàn cầu năm 2022 đã đạt con số kỷ lục 689 tỷ USD, cao hơn nhiều so với tổng viện trợ phát triển chính thức (ODA) toàn cầu cùng kỳ, chứng minh sức mạnh kinh tế to lớn của cộng đồng di cư. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người di cư thường có năng suất lao động cao hơn mức trung bình, sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn và đóng góp vào sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực.
Khắp địa cầu, những câu chuyện thành công của người nhập cư chính là minh chứng sống động cho tiềm năng vô tận của họ. Tại Mỹ, dù chỉ chiếm khoảng 14% dân số, nhưng người nhập cư đóng góp tới 17% lực lượng lao động và hiện diện trong mọi lĩnh vực kinh tế. Họ đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của "Thung lũng Silicon", nơi sản sinh ra những "gã khổng lồ" công nghệ như Google (có nhà đồng sáng lập Sergey Brin, người Mỹ gốc Nga), Tesla (do ông Elon Musk, người Mỹ gốc Nam Phi, sáng lập) và nhiều công ty khác.
Tại châu Âu, việc thu hút lao động nhập cư đã giúp giảm bớt tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động ở các quốc gia như Đức, Pháp và Italy, góp phần ổn định hệ thống phúc lợi xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Tại Australia, người di cư đóng góp khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các quốc gia Vùng Vịnh như Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Qatar phụ thuộc rất lớn vào lao động nhập cư, chiếm phần lớn lực lượng lao động và đóng vai trò then chốt trong các ngành xây dựng, dịch vụ và dầu khí, góp phần vào sự phát triển vượt bậc của khu vực.
Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt, hoạt động di cư cũng gây ra nhiều hệ lụy. Theo IOM, ít nhất 63.285 người đã bị thiệt mạng hoặc mất tích trên các tuyến đường di cư khắp thế giới trong giai đoạn từ năm 2014 - 2023, trong đó đa số các trường hợp thiệt mạng là do đuối nước (60%), chủ yếu trên tuyến Địa Trung Hải (28.854 người). Tính trong 10 tháng đầu năm nay, trên 30.000 người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc xuồng cao su quá tải, cao hơn so với con số của cả năm 2023. Theo số liệu của cảnh sát Pháp, trung bình cứ 5 ngày lại có một người di cư thiệt mạng trên biển Manche, khiến năm 2024 là năm mà số người di cư tử vong tại khu vực này nhiều nhất kể từ năm 2018. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường hơn nữa các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng nhập cư trái phép, mua bán người, để di cư thực sự là lựa chọn an toàn cho mọi người.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của di cư hợp pháp, có trật tự và an toàn, các nước trên thế giới đã đẩy mạnh hợp tác phòng chống nhập cư bất hợp pháp và buôn người, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người nhập cư. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã đẩy mạnh truyền thông về các kênh di cư hợp pháp, an toàn, khuyến cáo công dân về các rủi ro và những nguy cơ di cư qua các kênh không chính thức, bởi nâng cao nhận thức cho người dân là mấu chốt cho di cư an toàn và lành mạnh. Nhiều quốc gia đã triển khai các chính sách và chương trình nhập cư ưu tiên người lao động có kỹ năng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Canada với hệ thống Express Entry, Australia với chương trình định cư diện tay nghề và Đức với Luật Nhập cư mới là những ví dụ điển hình. Các chính sách này không chỉ giúp lấp đầy khoảng trống lao động mà còn tạo điều kiện cho người di cư phát huy tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Là quốc gia xuất khẩu lao động, Việt Nam cũng đóng một vai trò quan trọng trong bức tranh di cư toàn cầu. Trong giai đoạn 2017 - 2023, gần 860.000 lao động Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, tập trung chủ yếu ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, số lượng du học sinh Việt Nam cũng ngày càng tăng, với trên 250.000 người đang học tập tại nhiều quốc gia. Kiều hối cũng đóng góp một phần đáng kể vào GDP, ước tính khoảng 5%. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến bảo đảm quyền lợi của người di như thông qua việc thúc đẩy hợp tác chống di cư bất hợp pháp (mới nhất là ký thỏa thuận hợp tác với Anh), ký hiệp định hợp tác lao động và cung cấp hỗ trợ pháp lý, thông tin... Việt Nam cũng tích cực thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM). Trong cuộc làm việc tại Bộ Ngoại giao tháng 11 vừa qua, bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn đại diện IOM tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là quốc gia đi đầu trong triển khai Thỏa thuận GCM và đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực này.
Có thể thấy, việc thực hiện di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp không chỉ mang lại lợi ích cho cả quốc gia nơi đi và nơi đến, mà còn tạo cơ hội phát triển cho chính những người di cư, giúp họ đóng góp vào sự phát triển bền vững của thế giới. Chỉ khi bảo đảm di cư là lựa chọn an toàn, nhân tố này mới có thể trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững và một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.