Lũ sông Hồng đạt đỉnh đêm 11-9

Trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên mức báo động 3, nội thành Hà Nội vẫn an toàn, không bị ngập.

Đây là khẳng định của ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ quản lý dự báo khí tượng thủy văn thuộc Tổng cục khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngày 11-9.

Nhiều phường nằm ngoài đê của quận Hoàn Kiếm như Phúc Tân, Chương Dương, người dân phải di dời. Ảnh: Thế Dũng

Nhiều phường nằm ngoài đê của quận Hoàn Kiếm như Phúc Tân, Chương Dương, người dân phải di dời. Ảnh: Thế Dũng

Theo ông Long, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra thông tin về việc cảnh báo ngập úng trong nội thành Hà Nội trước khi có mưa lớn.

Tuy nhiên, nhiều trang mạng xã hội đã sử dụng thông tin này và đưa ra tin cảnh báo "ngập lụt do lũ sông Hồng" khiến nhiều người hiểu sai bản chất.

Ông Long khẳng định, nước lũ hiện tại (lúc 11 giờ 30 là 11,02 m, thấp hơn báo động 3 là 0,48 m) trên sông Hồng chỉ khiến khu vực ngoài đê bị ngập, không ảnh hưởng đến nội thành.

Cảnh ngập sâu ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Video: Thế Dũng

Trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên mức báo động 3, nội thành Hà Nội vẫn an toàn, không bị ngập.

Đến trưa 11-9, mực nước tại thượng nguồn sông Hồng, sông Thao đã đạt đỉnh và đang xuống. Song mực nước trên sông Thao xuống rất chậm.

Theo ông Long, hồ Hòa Bình, hồ Tuyên Quang tiếp tục đóng thêm cửa xả là những thông tin tích cực để giảm nước lũ ở hạ lưu, khả năng tiêu thoát lũ đang diễn ra chậm nên thời gian ngập lụt còn kéo dài khoảng 2-3 ngày tới.

Ông Long khuyến cáo người dân ở vùng ven sông phải thường xuyên theo dõi các dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia để nắm các diễn biến của mưa lũ, có biện pháp ứng phó kịp thời.

Ngoài ra, người dân vùng ven sông cần tuyệt đối chấp hành các khuyến cáo, cảnh báo, di dời của chính quyền địa phương.

Trước những diễn biến phức tạp về mưa lũ và ngập úng tại các tỉnh miền Bắc trong những ngày gần đây, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có cuộc thông tin nhanh với báo chí về dự báo diễn tiến mưa lũ và ngập úng trong những ngày tiếp theo.

Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, dự báo đến đêm 11-9, lũ trên các sông Hồng, sông Thái Bình,... có thể đạt đỉnh và sau đó biến đổi chậm.

Những ngày tiếp theo, nước lũ tại các sông Hồng, sông Thái Bình sẽ giảm dần. Tại Hà Nội, các quận như Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên... đã xảy ra ngập úng ở khu vực ven đê. Khả năng trong 6 giờ tới, mực nước sông Hồng tiếp tục tăng nên nguy cơ ngập úng vẫn còn hiện hữu.

Các vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy đã xảy ra tình trạng ngập úng.

Theo dự báo trong 6 giờ tới mực nước ở hệ thống sông chính tiếp tục tăng lên và đạt mức 11,3 m dưới báo động 3 khoảng 20 cm, sau đó có thể chững lại.

"Hiện tại, nước lũ giảm phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến mưa cũng như các diễn biến về việc xả lũ của các hồ trữ nước"- ông Hòa nói và nhận định tại huyện Chương Mỹ thời gian tới xảy ra ngập úng kéo dài do lượng nước ở các sông chính ở mức cao, khó thoát.

Ngoài ra, các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do mực nước ở các sông nhỏ tiếp tục tăng lên.

Tạm cắt điện nhiều khu vực ở Hà Nội

Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) tạm ngừng cấp điện để đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống lưới điện trong khu vực bị ngập úng do nước lũ.

Theo EVNHANOI, rạng sáng 11-9, hoàn lưu bão số 3 gây mưa kết hợp lũ lớn từ thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước các sông lên mức báo động, gây ngập lụt nghiêm trọng một số nơi trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Sóc Sơn…

Một số khu vực tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… nước sông Hồng cũng dâng rất cao, ngập sâu vào nhà, xưởng gây mất an toàn cung cấp điện.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/video-lu-song-hong-dat-dinh-dem-11-9-196240911173502861.htm
Zalo