Lũ rút nhiều ngày, vì sao giá rau xanh tại Hà Nội vẫn 'đắt hơn cá, thịt'?
Do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ngập lụt đã ảnh hưởng tới nguồn cung rau xanh ra thị trường. Rau xanh ăn lá tại các chợ khan hiếm và giá cao.
Ăn rau xanh đắt hơn ăn thịt
Ghi nhận của PV tại các chợ truyền thống, dân sinh, rau củ quả những ngày này phong phú hơn nhưng giá vẫn neo ở mức cao, đặc biệt là là rau xanh ăn lá, rau gia vị có mức giá tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.
Chị Trinh, tiểu thương bán rau ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, củ quả lấy ở chợ đầu mối giá vẫn ở mức cao. Một số củ quả, hành tây, bắp cải, nấm nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn ngày trước bão và duy trì giá ở mức cao. Thời điểm này, rau ăn lá khan hiếm, không có hàng nhập, có nhập thì giá cũng quá cao khó bán tại các chợ dân sinh. Rau cải xanh bán tại chợ đầu mối 35.000 đồng/kg, về bán lẻ 40.000đồng/kg; dưa chuột nhập 25.000 đồng/kg, bán lẻ 30.000 đồng/kg; bí xanh 25.000 đồng/kg; rau muống 20.000đồng/mớ…
“Rau tại siêu thị họ mua theo bao tiêu, giá bình ổn. Còn tại các chợ dân sinh, khi đi lấy hàng tại chợ đầu mối theo giá chợ, tùy từng hôm, thời tiết tác động rất lớn tới giá rau tại chợ. Đợt này ảnh hưởng của mưa bão, ngập lụt, rau mầu hỏng nhiều, nên nguồn cung khan hiếm, đắt mà không có hàng bán. Người bán lẻ rau cũng phải trừ hao hụt, rau hỏng thì cũng không được lời mấy, giá rau xanh đắt quá người dân không mua”, chị Trinh cho biết.
Chị Thu Nga (Long Biên) cho biết, do giá rau xanh đắt lên, rau cải, rau khoai lang 16.000 đồng/mớ; rau muống 20.000 đồng/mớ. Rau xanh ăn lá đắt quá giá đình chị Nga chuyển sang ăn các loại rau củ quả khác. Chị Thanh Thảo (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, khu vực chợ Mỹ Đình giá rau xanh vẫn giữ ở mức cao, rau muống, rau dền, rau ngót 35.000 đồng/kg; cải canh, cải mèo 40.000 đồng/kg; ngồng hẹ 50.000đồng/0,5kg. “Với mức giá này, nhà đông người nếu mua rau xanh sẽ hết rất nhiều tiền, ăn rau đắt hơn ăn thịt”, chị Thảo cho hay.
Trên thực tế, giá các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Theo Sở Công Thương Hà Nội, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão nên nhiều diện tích rau màu trên địa bàn thành phố và các tỉnh phía Bắc bị hư hỏng, ngập úng. Điều kiện thời tiết bất lợi, ngập lụt khiến việc thu hoạch, vận chuyển rau từ các tỉnh phía Bắc và các huyện ngoại thành Hà Nội (Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Chương Mỹ, Quốc Oai...) gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều loại rau, củ, nhất là các loại rau xanh.
Trung tuần tháng 10 mới có lứa rau đầu tiên sau bão
Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng rau, củ các loại của Hà Nội khoảng 110,5 nghìn tấn/tháng, tương đương 1,32 triệu tấn/năm. Sản lượng rau, củ thành phố sản xuất đạt 765 nghìn tấn/năm, đáp ứng được khoảng 57% nhu cầu, còn lại được cung ứng từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc và một số tỉnh phía Nam (Lâm Đồng...). Sau bão, để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng rau củ, các doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thêm từ các tỉnh phía Nam như Đà Lạt (tăng cả số chuyến hàng vận chuyển về Hà Nội và số lượng hàng hóa) để bổ sung lượng hàng phục vụ nhân dân.
Ở góc độ nhà cung ứng rau củ quả tại Sơn La, ông Lê Trọng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH TM Rau quả Ngọc Linh Sơn La cho biết, mưa lũ ảnh hưởng rất lớn tới người nông dân. Bình thường đơn vị cung ứng hơn 1.000 tấn ra thị trường, nhưng mùa vụ này sụt giảm chỉ được 300-400 tấn. Hiện, lũ đi qua, doanh nghiệp đang chuẩn bị để sản xuất vụ đông, dự kiến tầm 3 tháng sau mới được thu hoạch. “Mùa này, trồng nhiều bắp cải, bí xanh, bí đỏ, nhưng do mưa nhiều rau bắp cải hỏng nhiều thiệt hại gần 50%. Dưa chuột không đậu quả, bí xanh cũng bị hỏng nhiều. Mùa vụ này bà con trồng rau mầu được giá nhưng sản lượng giảm mạnh”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ghi nhận ở một số HTX nông nghiệp trồng rau ở Hà Nội cho thấy, sau bão, mưa lớn, ngập lụt rau xanh ăn lá bị dập, hỏng. Ông Nguyễn Văn Quý, HTX Nông nghiệp Bột Xuyên (Mỹ Đức- Hà Nội) cho biết, hơn 20 ha rau mầu của HTX mưa ngập hỏng hết. Khi nào nước rút HTX mới cải tạo đất và trồng lại. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX rau sạch Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội), đợt này, thiệt hại nhất là rau ăn lá như cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, cải chíp, mùng tơi và những loại rau khác. Do thiệt hại lớn về rau mầu nên tái trồng lại thì cũng phải khoảng trung tuần tháng 10 mới có lứa rau đầu tiên sau bão. “Ảnh hưởng lớn nhất tới nguồn cung ra thị trường là do mưa bão kéo dài, nắng mưa thất thường, nhất là các vùng sản xuất trũng không có lối thoát do mương nội đồng không được nạo vét thường xuyên nên việc gieo trồng lại không được kịp thời”, bà Huyền cho hay.
Cùng với đó, bà Đào Thị Lương, HTX Tâm Anh (Phú Xuyên-Hà Nội) cho biết, HTX Tâm Anh đã ký hợp đồng mua bán với nhà phân phối, bán giá bình ổn, giá rau tăng cao nhưng giá rau cung ứng ra thị trường của HTX vẫn giữ ổn định. Hiện rau cải an toàn là 35.000 đồng/kg, bình thường khoảng 20.000đồng/kg. Với tình hình như hiện nay, rau trồng trong nhà kính thì tầm 18-20 ngày được 1 lứa, còn rau trồng ngoài trời, rau an toàn thì tầm 25-30 ngày được lứa tiếp theo. Tuy nhiên, thu hoạch được thì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Bà Đặng Thị Cuối, Chủ nhiệm HTX rau Cuối Quý (Đan Phượng-Hà Nội) cũng đau xót cho biết, bão và ngập lụt đã gây thiệt hại cho HTX khoảng 400-500 triệu đồng, nhà kính tan hoang, nhất là vườn nho đang vào lúc chuẩn bị thu hoạch, nhà kính trồng rau mầu cũng bị ngập, hỏng. Số lượng rau bị ngập hỏng rất lớn, thiệt hại khoảng 3ha. Để khắc phục, HTX phải cải tạo lại và trồng lại rau, nhưng để cung ứng ra thị trường ít nhất cũng phải tầm 1 tháng mới được thu hoạch.
Tại hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo. Các mặt hàng như rau củ, quả… được các siêu thị, chủ sạp chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Đến nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội ghi nhận chưa có trường hợp nào bị xử lý vi phạm về việc tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, để chủ động thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong mùa mưa bão, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh và hàng hóa lưu thông trên thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, hệ thống cửa hàng bán lẻ và địa điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong thời gian xảy ra thiên tai, bão lũ như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, các vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh... Qua đó, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, thu gom hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý để trục lợi,” ông Dương Mạnh Hùng Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội nhấn mạnh.