Lũ rút chậm, Hà Nội đã ban hành Lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng

Lũ trên sông Hồng đang rút chậm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành Lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng vào hồi 7giờ ngày 12/9 tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh.

Tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia lúc 9 giờ sáng 12/9 dự báo, trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ1, lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang xuống dưới mức BĐ2 và Vụ Quang sẽ xuống mức BĐ2. Lũ trên sông Cầu tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức BĐ3. Lũ trên sông Thương tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức BĐ3, lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3. Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3. Lũ trên sông Hoàng Long đang lên chậm trên mức BĐ3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên BĐ2.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức BĐ1. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức BĐ1. Lũ trên sông Cầu sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3. Lũ trên sông Thương sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3 Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm dưới mức BĐ3. Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức BĐ2 và ở trên BĐ1.

Cảnh báo: Trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Tình trạng ngập lụt có thể xảy ra tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.

Tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn Thành phố

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 11/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Công điện nêu rõ, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều trên địa bàn Thành phố không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều. Thực hiện Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu: Các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố theo địa bàn phụ trách trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê, trong đó tập trung:

Rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều xung yếu theo “phương châm bốn tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các địa bàn trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

Yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Yêu cầu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các lực lượng quân đội trên địa bàn chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để chủ động, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Yêu cầu Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các quận, huyện, thị xã thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.

Yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông đường thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.

Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, lãnh đạo chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống lũ theo quy định.

Cùng với Công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra; tổ chức lực lượng và nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009; kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố thiên tai ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điếm canh đê trên địa bàn quản lý; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể tổ chức thường trực trên điếm như: dọn dẹp sạch sẽ, phát quang cây cỏ dại trong phạm vi điếm; rà soát bổ sung trang bị các dụng cụ, sổ sách và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội tuần tra, canh gác...

Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do không thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật.

Minh Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lu-rut-cham-ha-noi-da-ban-hanh-lenh-rut-bao-dong-2-tren-song-hong-179240912113313067.htm
Zalo