Lũ quét, sạt lở không còn bất ngờ nếu ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm

Việc phát triển hệ thống cảnh báo tự động tại các khu vực có nguy cơ cao, kết hợp các kinh nghiệm bản địa và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hành động tại chỗ sẽ giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cảnh báo sớm và hành động sớm tại cộng đồng

Sáng 25/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai tổ chức Tọa đàm "Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng", nhằm đưa ra các giải pháp đột phá trong việc hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm tới tận người dân ở vùng sâu, vùng xa thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ NN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh, tình hình thiên tai đang có những diễn biến phức tạp, khó lường với tần suất và mức độ ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, cảnh báo sớm và hành động sớm tại cộng đồng được xem là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tổn thất về người và tài sản.

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì hội thảo. Ảnh: C.Huân

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì hội thảo. Ảnh: C.Huân

Theo Thứ trưởng Thành, mặc dù công nghệ dự báo đã có nhiều tiến bộ, việc đưa cảnh báo đến từng xã, thôn, bản vẫn là thách thức lớn, nhất là ở những nơi người dân còn ít tiếp cận thông tin.

Do vậy, cần tăng cường cơ chế chia sẻ dữ liệu cảnh báo, phát triển hệ thống cảnh báo tự động tại các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời kết hợp các kinh nghiệm bản địa và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hành động tại chỗ.

TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai cho biết, sau khi triển khai quyết định về cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét, đến nay đã có 843 trạm đo mưa, 16 tháp cảnh báo lũ và 85 đội xung kích cấp xã được thiết lập. Tuy nhiên, hệ thống hiện nay vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Do vậy, ông đề xuất cần lựa chọn công nghệ giám sát phù hợp; tích hợp bản đồ rủi ro vào hệ thống trực tuyến địa phương. Đồng thời cần xây dựng cơ chế tổ chức lực lượng ứng phó tại chỗ.

“Trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ chỉ có giá trị khi gắn liền với hành động kịp thời và khả năng xử lý tại thực địa,” ông Phát nhấn mạnh.

Thách thức địa hình và giới hạn công nghệ

Ông Nguyễn Xuân Tùng, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&MT) cho rằng, công tác dự báo đã có bước tiến, nhưng đặc thù địa hình hiểm trở, mưa lớn ngắn hạn và nền địa chất phức tạp vẫn gây khó khăn trong việc xác định chính xác nơi và thời điểm xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Dù đã có khoảng 1.500 trạm đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo trực tuyến đến cấp xã, nhiều khu dân cư vẫn nằm trong vùng nguy hiểm mà chưa được di dời. Dự báo thiếu chi tiết, bản đồ nguy cơ có tỷ lệ nhỏ, hệ thống thiết bị lạc hậu khiến công tác phòng ngừa và ứng phó còn nhiều hạn chế.

Cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở sẽ giúp giảm thiệt hại cho người dân.

Cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở sẽ giúp giảm thiệt hại cho người dân.

Ngoài ra, nhận thức và kỹ năng của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn yếu, lực lượng xung kích thiếu nhân lực và thiết bị, trong khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm đảo lộn các quy luật mưa, lũ truyền thống.

“Nạn phá rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng trái phép càng khiến nguy cơ thiên tai gia tăng, trong khi việc di dời dân cư còn gặp khó do thiếu quỹ đất và sinh kế lâu dài”, ông Tùng thông tin thêm.

Trước thực trạng trên, đại diện Cục đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Theo đó, về thể chế cần hoàn thiện khung pháp lý, tăng đầu tư vào công trình phòng, chống và kiểm soát quy hoạch xây dựng.

Về công nghệ, cần ứng dụng AI và cảm biến hiện đại, xây dựng bản đồ rủi ro đến tận cấp thôn, bản.

Ngoài ra cần truyền thông dễ hiểu, tập huấn ứng phó, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích và hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương.

Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ phù hợp.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lu-quet-sat-lo-khong-con-bat-ngo-neu-ung-dung-cong-nghe-canh-bao-som-2394954.html
Zalo