Lũ lụt làm gia tăng căng thẳng tài chính ở Trung Âu

Trước khi trận lũ lụt kinh hoàng quét qua miền Trung châu Âu một tuần trước, Cộng hòa Séc dường như đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực (kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát) có thể kéo thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Người dân được lực lượng cứu hộ sơ tán sau khi sông Nysa Klodzka tràn vào thị trấn Lewin Brzeski, Ba Lan. Ảnh: Anadolu

Người dân được lực lượng cứu hộ sơ tán sau khi sông Nysa Klodzka tràn vào thị trấn Lewin Brzeski, Ba Lan. Ảnh: Anadolu

Tuy nhiên, vấn đề tài chính công của Cộng hòa Séc và Ba Lan đang bị đe dọa, khi những quốc gia này đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của lũ lụt.

Thiệt hại về cơ sở hạ tầng có thể lên tới 10 tỷ USD ở hai quốc gia này. Bộ trưởng tài chính Ba Lan cho biết 5,6 tỷ USD được phân bổ từ các quỹ của EU không phải toàn bộ chi phí phục hồi sau lũ lụt.

Tổn thất kinh tế liên quan đến thời tiết khắc nghiệt đang làm gia tăng áp lực lên tài chính ở một khu vực vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng vọt sau cuộc xung đột Nga- Ukraine năm 2022.

Kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, các quốc gia thành viên EU gạt bỏ điều khoản là phải duy trì thâm hụt hằng năm ở mức 3% GDP, thâm hụt ngân sách trong khu vực đã tăng vọt lên tới 9% GDP ở Romania, 7% ở Ba Lan và Hungary.

Bên cạnh đó, việc các nước đầu tư quân sự cao hơn, chi tiêu cho lương hưu theo lạm phát và chi phí trả nợ tăng cũng đang làm căng thẳng ngân sách.

Ngày 19-9, Bộ Tài chính Cộng hòa Séc thông báo sẽ phân bổ 30 tỷ crown (1,3 tỷ USD), tương đương 0,4% GDP, để khắc phục thiệt hại do lũ lụt trong sửa đổi ngân sách năm 2024 , cao hơn 25% so với ước tính ban đầu của chuyên gia kinh tế David Havrlant của ING vào đầu tuần này. Điều này có thể đẩy thâm hụt của Séc lên gần mức 3% theo quy định của EU, tăng so với mục tiêu ban đầu là 2,5% và mức thâm hụt của năm tới hiện cũng được dự báo cao hơn các kế hoạch trước đó .

Steffen Dyck, Phó chủ tịch cấp cao của Moody's Ratings, cho biết mặc dù Trung Âu đã chuẩn bị tốt hơn so với trước đây để ứng phó với lũ lụt, nhưng nơi này vẫn phải đối phó với các sự cố và tác động kinh tế của chúng thường xuyên hơn.

Áp lực bất ngờ lên tài chính của Cộng hòa Séc làm nổi bật quy mô thách thức mà các nước thành viên phía Đông EU còn lại đang phải đối mặt, vẫn đang vật lộn với mức thâm hụt lớn hơn, từ gần 7% ở Romania đến hơn 5% ở Ba Lan và Hungary.

Phân tích của Reuters về dự thảo ngân sách và thông báo của chính phủ về kế hoạch tài khóa cho thấy Ba Lan và Hungary có thể mất phần lớn thập kỷ này để giảm thâm hụt xuống dưới 3% trong khi Romania có thể không đạt được mục tiêu này cho đến những năm 2030.

Moody's dự kiến thâm hụt ngân sách của Ba Lan sẽ vượt quá 5% GDP vào năm 2025, sau đó là "sự củng cố rất dần dần" hướng tới mức thâm hụt 3% trong bốn đến năm năm tới. Gánh chịu chi phí khắc phục lũ lụt, Ba Lan hiện sẽ thúc đẩy EU nới lỏng hơn nữa để củng cố tài chính.

Chi phí trả nợ tăng vọt lên 4,7% GDP tại Hungary, 2% tại Ba Lan và Romania vào năm ngoái, chỉ có mức lãi suất 1,3% GDP của Cộng hòa Séc là thấp hơn mức trung bình của EU - nhưng vẫn cao gần gấp đôi mức 0,7% trước khi xảy ra Covid-19.

Romania vẫn chưa công bố ngân sách năm 2025, trong khi Bucharest đang cân nhắc khung thời gian bảy năm để kiềm chế thâm hụt từ mức cao nhất của EU, mà một số nhà kinh tế cho rằng có thể lên tới 8% GDP trong năm nay do cải cách lương hưu tốn kém.

Hungary, quốc gia có mức thâm hụt ngân sách trung bình gần 7% GDP kể từ khi xảy ra đại dịch, đã cam kết giảm mức thâm hụt này xuống còn 4,5% GDP trong năm nay, mặc dù Moody's dự kiến mức thâm hụt sẽ cao hơn 1% ngay cả sau những nỗ lực gần đây nhằm thu hẹp khoảng cách này.

Kim Phượng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lu-lut-lam-gia-tang-cang-thang-tai-chinh-o-trung-au-678875.html
Zalo