Lũ lịch sử càn quét Thừa Thiên - Huế: Dốc sức khắc phục thiệt hại nặng nề
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang dốc sức để khắc phục những thiệt hại do lũ lụt càn quét mấy ngày vừa qua.
Lũ tới nhanh trong đêm không kịp trở tay
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to, đỉnh điểm là từ tối 14 và cả ngày 15/11 mưa lớn diện rộng khắp cả tỉnh và không có dấu hiệu ngừng.
Hàng loạt các hồ chứa nước, đập thủy điện đồng loạt thông báo xả nước. Các vùng trũng đều bị ngập lụt, gây nhiều thiệt hại cho người dân địa phương.
Thầy Nguyễn Quang Tuấn (công tác tại Đại học Huế), sống tại Khu đô thị Royal Park kể lại: “Đêm, khi nghe thông báo khẩn về việc nước sông Hương sẽ vượt báo động 3 vào 21 giờ, tôi cùng 2 người bạn hàng xóm đưa xe ô tô đi đậu nhờ ở nơi cao. Khi đi nước mới chỉ ngang mắt cá chân, nửa tiếng sau về lại khu đô thị nước lũ đã lên tới đầu gối”.
Anh Tuệ, người sống ở phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế) đã quá bất ngờ khi nước lên quá nhanh không kịp trở tay: “Từ 17 giờ chiều 14/11 nước sông lên rất nhanh, và đến 20 giờ nước đã tràn vào nhà, trung bình mới 3 tiếng đồng hồ mà nước lũ lên hơn 1 mét”.
Ngày 16/11, trời đã quang, mây đã tạnh trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, kể lại với chúng tôi, ông Trần Vũ Lâm - Giám đốc Công ty TNHH điện tử viễn thông Toàn Cầu (đường Huỳnh Tấn Phát, phường An Đông, TP Huế) vẫn không khỏi bàng hoàng: “Tối 14/11 tôi đi ăn tân gia nhà một người bạn, đến 21 giờ vợ tôi gọi về nói nước lũ đang lên nhanh lắm, anh về công ty kê đồ lên cao kẻo hư hết.
Tôi vội vã chạy xe về trong biển nước đang dâng nhanh trên đường. Đến công ty, chỉ kịp đưa một số mặt hàng có giá trị lên cao trong vòng nửa tiếng đồng hồ thì phải chạy về nhà chứ đường ngập xe.
Giờ đến công ty, nhìn quanh thì nước lũ lớn đã ngâm đồ đạc, thiết bị điện tử của chúng tôi hư hơn một nửa. Giờ không biết phải làm thế nào khi tài sản không cánh mà bay. Công tác dự báo lũ lụt của tỉnh nếu sớm hơn thì tôi đã không bị thiệt hại nhiều như thế này”, ông Lâm rướm nước mắt kể.
Chưa hết bàng hoàng về trận lụt bất ngờ tối 14/11, anh Hà Văn Minh (SN 1979, trú tại tổ 16, phường An Đông, TP Huế) nhớ lại, hôm đó cả nhà anh ăn uống sinh hoạt như thường ngày, trời có mưa nhưng cũng chỉ nghĩ mưa bình thường nên chủ quan.
Nào ngờ mưa càng lúc càng nặng hạt và xối xả không ngừng, càng về khuya nước bắt đầu tràn vào các đường lớn và hẻm vào nhà anh. Anh Minh vội cùng vợ và 2 con nhỏ dọn dẹp đồ đạc, bưng bê những tài sản lên cao để tránh ngập.
“Chỗ tôi rất ít khi bị ngập, cứ nghĩ mưa rồi tạnh thôi, nào ngờ nước tràn vào quá nhanh. Nhà tôi cũng chỉ khoảng 60m2 nên không còn chỗ kê nhiều đồ, nước tràn vào nên cũng không kịp di chuyển gửi đồ nơi khác. Đến ngày 15/11 nước vào nhiều hơn, ngập sâu, hư hỏng nhiều tài sản của gia đình như máy giặt, quạt điều hòa nước hơn chục triệu đồng”, anh Minh thuật lại.
Anh T. một người kinh doanh mặt hàng đồ ăn với các loại thực phẩm khẩu từ châu Âu cho biết, trong tối 14/11 do nước lũ lên quá nhanh nên đã không về kịp quán có các tủ đông trữ đặt trong nội thành Huế. Sau gần 2 ngày lũ rút, nước lũ đã khiến anh T “trắng tay” khi hư gần hết số thịt đang trữ với trị giá hàng trăm triệu đồng.
Thực tế, rất nhiều người dân Huế vốn có kinh nghiệm phòng chống bão lũ, nhưng trong trận lũ vừa qua đã bị rơi vào thế bất ngờ và khá bị động. Trước đó một tuần, mưa gió hầu như rất ít tại tỉnh này. Nhưng chỉ 1 ngày với lượng mưa “lịch sử” từ thượng nguồn ở huyện miền núi Nam Đông đến gần 1.000mm khiến nước lũ về hạ nguồn đột biến, tạo nên cơn lũ lên rất nhanh, tốc độ chóng mặt.
Dù trước đó Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát đi các thông báo đều đặn, nhưng với bản tin “chốt hạ” lúc 21 giờ đêm 14/11 thông báo nước sông Hương sẽ vượt báo động 3 vào 23 giờ đêm cùng ngày đã khiến nhiều người dân không kịp trở tay. Lý do là vì vào thời gian đó người dân đã đi ngủ hay không cầm điện thoại để theo dõi diễn biến lũ.
Nhiều xe ô tô đã không kịp di tản lên nơi cao đã nằm “chôn chân” trong lũ; một số doanh nghiệp, cửa hàng kê đồ lên không kịp dẫn đến hư hỏng tài sản lớn…
Chưa có con số cuối cùng về thiệt hại
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều 16/11, mưa lũ đã làm 85% tuyến đường của 36 phường, xã thuộc TP Huế bị ngập từ 0,5 - 1,2m. Hiện nước trên triền sông đang xuống chậm. Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông bị ngập sâu.
Qua thống kê ban đầu, có đến 17.453 ngôi nhà trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập, đã sơ tán dân 3.968 hộ dân với 10.283 khẩu đến nơi an toàn tránh lũ.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn gần ga Văn Xá (thị xã Hương Trà) và ga Phò Trạch (huyện Phong Điền) bị ngập khoảng 0,3 - 0,5m làm các chuyến tàu SE2, SE4 và SE6 (cùng chạy hướng Nam - Bắc) phải dừng lại ở Ga Huế, toàn bộ 494 hành khách đi tàu được bố trí ăn uống trên tàu, tạm thời sinh hoạt tại Ga Huế.
Khoảng 10 giờ 30 phút sáng 15/11 tại hiểm 251 đường Đặng Tất, phường Hương Vinh, TP Huế đang bị ngập sâu thì có 8 người dùng ghe đi mua thực phẩm. Nước lũ chảy xiết khiến ghe lật làm chị Huỳnh Thị B (SN 1981, trú phường Hương Sơ) và Nguyễn Thị H (SN 2005, con chị B) bị nước cuốn trôi. Hiện người dân đã tìm thấy thi thể chị B, còn H vẫn đang mất tích.
Thiên tai cũng sạt lở đất đá, tràn vào một căn nhà vùi lấp 2 vợ chồng anh Trần Đình Minh (SN 1972, thôn Đông Hòa, xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) và vợ Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 1978). Công an xã đã có mặt kịp thời, cùng người dân cứu nạn, khoan tường đưa 2 vợ chồng ra ngoài đi cấp cứu bệnh viện.
Lốc xoáy cũng làm cho một số nhà, quán tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc bị tốc mái, đổ sập, hư hỏng tài sản người dân.
Bên cạnh đó, nhiều đoạn sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển đã xuất hiện sau lũ như tại sông Bù Lu (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc); biển Giang Hải – Vinh Hiền, biển Giang Hải – Vinh Mỹ. Đoạn km 395+900 đường Hồ Chí Minh ở xã Hương Nguyên (huyện A Lưới, đoạn gần hạt Kiểm lâm hướng đi Quảng Nam) bị sạt lở với khối lượng 2.000m3 hiện chưa lưu thông được; khu vực Đồn biên phòng Hương Nguyên cũng bị sạt lở đất đá phía trên kè đá gây nguy hiểm…