Lũ khẩn cấp trên các sông tại Hải Dương
Vào 9 giờ ngày 11/9, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương đã báo tin lũ khẩn cấp trên các sông Thái Bình, Kinh Môn và tin lũ trên các sông Gùa, Rạng, Luộc tại La Tiến.
Theo đó, vào lúc 7 giờ, ngày 11/9, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 5,83m (dưới báo động 3: 0,17m), tại Cát Khê là 5,20m (trên báo động 3: 0,20m); sông Kinh Thầy tại Bến Bình là 4,41m (dưới báo động 3: 0,09m); sông Gùa tại Bá Nha là 2,64m (dưới báo động 3: 0,06m); sông Kinh Môn tại An Phụ là 3,09m (trên báo động 3: 0,19m); sông Rạng tại Quảng Đạt là 2,82m (dưới báo động 3: 0,08m), sông Luộc tại La Tiến là 4,72m (trên báo động 2: 0,02m).
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương dự báo trong 12 giờ tới, mực nước các sông tiếp tục lên nhanh.
Cụ thể, trên sông Thái Bình tại Cát Khê; sông Kinh Môn tại An Phụ tiếp tục duy trì ở mức trên báo động 3. Trên sông Thái Bình tại Phả Lại, sông Kinh Thầy tại Bến Bình, sông Gùa tại Bá Nha, sông Rạng tại Quảng Đạt, sông Luộc tại La Tiến tiếp tục duy trì ở mức cao hơn báo động 2 và có khả năng lên báo động 3 vào chiều hoặc tối 11/9.
Trong 12-24 giờ tới, theo dự báo, mực nước các sông tiếp tục lên, cụ thể, trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê; sông Kinh Thầy tại Bến Bình tiếp tục duy trì ở mức trên báo động 3. Trên sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Gùa tại Bá Nha, sông Rạng tại Quảng Đạt, sông Luộc tại La Tiến tiếp tục duy trì ở mức cao trên báo động 3, sau biến đổi chậm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại là cấp 3; trên sông Thái Bình tại Cát Khê, Sông Kinh Thầy tại Bến Bình, Sông Luộc tại La Tiến và các sông khu vực hạ lưu tỉnh là cấp 2.
Theo dự báo, mực nước lũ trong sông cao có thể gây ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông, khu vực trũng thấp thuộc hai thành phố Hải Dương và Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện.
Lũ trong sông lên cao kết hợp với mưa lớn có thể gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, suối gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, các hoạt động giao thông, các công trình nuôi trồng thủy sản trên sông và sản xuất nông nghiệp ven sông suối. Đề phòng nguy hiểm, sạt lở những đoạn đê xung yếu ven sông.
Trước đó, vào 23 giờ, ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số 2 trên sông Luộc. Tiếp đó, sáng 11/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số 3 trên hệ thống sông Thái Bình.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân cũng như các công trình đê điều… Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Hải Dương đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố phải lên đê để thường trực chỉ huy ứng cứu tại chỗ.
Hải Dương cũng thực hiện cấm tất cả phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép, quản lý chặt chẽ xe chạy trên đê theo quy định; cấm hoạt động của các đò ngang; phát quang mái đê, mặt đê để đảm bảo hiệu quả công tác tuần tra, canh gác đê; phát hiện các sự cố, rò rỉ, hư hỏng.