Lớp học tiếng Mông ở Đồn Biên phòng Na Ngoi
Để thực hiện tốt phương châm 'Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm cho dân tin', Đồn Biên phòng Na Ngoi, BĐBP Nghệ An đã tổ chức lớp học dạy tiếng Mông cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Những lớp học này dù là nhỏ nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ đơn vị gần dân, hiểu hơn về văn hóa, đời sống của đồng bào, qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Lớp học tiếng Mông ở Đồn Biên phòng Na Ngoi đã triển khai được hơn 4 tháng nay, cán bộ giảng dạy là Thiếu tá Già Bá Ná, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của đồn. Không khí học tập sôi nổi ngay từ phần kiểm tra nội dung bài cũ, lần lượt từng thành viên của lớp được mời đứng lên đọc ôn lại các từ đã được học từ bài trước. Giáo viên viết từ đã học lên bảng, các học viên đứng dậy đọc, nếu đọc đúng thì hoàn thành việc ôn bài cũ; chưa đọc đúng, các đồng chí khác tiếp tục thực hiện, cứ thế đến khi các từ học cũ đã được đọc, phát âm đúng thì giáo viên chuyển sang học bài mới.
Thiếu tá Già Bá Ná là người dân tộc Mông, có nhiều năm công tác trong BĐBP Nghệ An, ở nhiều địa bàn khác nhau, bởi vậy, khi đơn vị triển khai nội dung học tiếng Mông, anh được Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ soạn thảo giáo án giảng dạy và trực tiếp lên lớp cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Để có được các bài giảng phù hợp với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Thiếu tá Già Bá Ná đã mất nhiều công sức chuẩn bị nội dung gần gũi với thực tế cuộc sống khi cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp xúc với đồng bào, anh chia sẻ: “Trong tiếng Mông có từ nặng, từ nhẹ, nên tôi đã truyền đạt cho người học cách phát âm sao cho đúng âm của địa phương từng vùng”.
Trong các giờ học tiếng Mông của Đồn Biên phòng Na Ngoi không chỉ có cán bộ, chiến sĩ mà chỉ huy đơn vị cũng tham gia. Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên chia sẻ: "Hàng năm, đơn vị chúng tôi xây dựng Kế hoạch mở lớp dạy tiếng đồng bào cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời tiến hành thành lập Ban tổ chức, Tổ giáo viên, giao cho các đồng chí là đồng bào người Mông có khả năng sư phạm lên lớp, giữa kỳ có đánh giá, kiểm tra rút kinh nghiệm để thay đổi phương pháp học. Thành phần tham gia học là toàn thể cán bộ, chiến sĩ, từ chỉ huy đồn đến chiến sĩ".
Khác với các giờ huấn luyện khác, lớp học tiếng Mông của đồn giúp cán bộ, chiến sĩ có thêm phương pháp giao tiếp với người dân. Đa số đồng bào trên địa bàn xã Na Ngoi là người Mông, bởi vậy, qua thực tiễn công tác hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ cũng đã tự học được một số vốn từ đáng kể. Làm nhiệm vụ công tác địa bàn, Thiếu tá Lê Huy Hảo chia sẻ: “Đa số người dân xã Na Ngoi là người Mông, việc thông thạo tiếng đồng bào người Mông giúp chúng tôi nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu ngôn ngữ giúp bộ đội gắn bó với nhân dân hơn”.
Những giờ học tập trung tại đơn vị, cán bộ giảng dạy vừa hướng dẫn, giúp đỡ các học viên ôn luyện lại các nội dung đã học, vừa củng cố thêm ngữ pháp, phát âm cho các đồng chí để khi tiếp xúc với nhân dân tự tin trong giao tiếp. Trong các giờ học, không chỉ giáo viên hướng dẫn, các học viên ghi chép, đọc thuộc, mà còn có sự trao đổi, tạo các tình huống khi gặp gỡ, tiếp xúc với đồng bào từ già đến trẻ, trong đó có sự hỗ trợ của các đồng chí cán bộ người Mông, góp phần nâng cao chất lượng của các buổi học.
"Xã hội phát triển, đồng bào đã nhiều người biết tiếng phổ thông. Tuy nhiên, trong thực tế, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng khi xuống địa bàn thông thạo ngôn ngữ của đồng bào thì khoảng cách giữa quân và dân đã được rút ngắn lại. Việc thông thạo tiếng của đồng bào không chỉ thể hiện sự gắn bó mật thiết quân dân, mà còn giúp bộ đội hiểu dân hơn thông qua học tiếng, phong tục tập quán của người dân" - Thiếu tá Nguyễn Đình Trung chia sẻ thêm.
Việc học được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi áp dụng đi đôi với thực hành, đó là việc các anh thường xuyên bám nắm địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng người dân để có hướng tham mưu hỗ trợ phù hợp. Điển hình như gia đình ông Xồng Gà Lầu, bản Na Cáng, xã Na Ngoi, qua bám nắm địa bàn, nắm bắt được hoàn cảnh gia đình ông gặp nhiều khó khăn, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã trích kinh phí mua 50 con ngan giống, 1.000 con cá giống các loại để hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. Ngoài ra, đơn vị còn cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi con giống. Ông Xồng Gà Lầu chia sẻ: “Các chú Biên phòng luôn lo cho dân, am hiểu phong tục, nói được tiếng của đồng bào, bà con ưng cái bụng lắm, các chú hỗ trợ con giống phát triển rất tốt”.
Ông Mùa Bá Vừ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi đánh giá: “Đồn Biên phòng Na Ngoi đã phối hợp với địa phương giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Các anh đã hỗ trợ kỹ thuật giúp bà con trồng lúa nước, hỗ trợ con giống như ngan, vịt, cá và kỹ thuật để giúp các hộ gia đình vươn lên xóa đói giảm nghèo”.
Thông thạo ngôn ngữ của đồng bào không chỉ để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc”, mà còn thể hiện tình cảm gắn bó mật thiệt giữa quân và dân nơi biên giới, cùng chung sức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, thể hiện tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.