Lớp học thư pháp miễn phí cầu nối níu giữ di sản văn hóa dân tộc
Cứ mỗi 3 giờ chiều vào hai ngày cuối tuần, lớp học thư pháp của nhà thư pháp Lê Thiên Lý lại đông đúc những người yêu con chữ dân tộc. Không phân biệt tuổi tác, giới tính hay trình độ, nơi đây chỉ có những tâm hồn cùng chung một đam mê với nghệ thuật thư pháp.
Mong muốn giữ gìn và phát triển thư pháp Việt
Sinh năm 1947 tại huyện Kiến Thụy (Thái Bình), nhà thư pháp Lê Thiên Lý từ nhỏ đã đam mê chữ nghĩa và các tác phẩm văn học. Sau khi học xong cấp III, ông nhập ngũ rồi về công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin. Năm 1996, ông tình cờ gặp nhà thư pháp nổi tiếng Lỗ Nguyên, được tặng sách hướng dẫn viết thư pháp, nhưng mãi đến năm 1998, sau khi xem triển lãm thư pháp của cụ Lê Xuân Hòa, ông mới quyết tâm theo đuổi môn này. Để học thư pháp, ông phải tự ôn lại tiếng Trung và luyện tập hằng ngày, dành hàng giờ để viết và rèn kỹ năng.
Bằng những nỗ lực gần III thập kỷ của mình, ông có nhiều thành tựu về thư pháp được vinh danh trong Kỷ lục Việt Nam và Guinness thế giới. Với tâm huyết bảo tồn và phát triển thư pháp, ông đang ấp ủ kế hoạch mở bảo tàng thư pháp để lưu giữ và phổ biến những lối viết độc đáo của mình.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý tâm sự: “Để trở thành một nhà thư pháp, không chỉ cần có kiến thức uyên thâm về con chữ, thư pháp và văn hóa, mà còn cần một trải nghiệm sống sâu sắc. Điều quan trọng nhất là phải có một trái tim yêu nghệ thuật, luôn kiên trì, tỉ mỉ, đam mê sáng tạo và học hỏi không ngừng. Vì vậy, hầu hết những nhà thư pháp lớn thường ở tuổi ngả bóng. Điều này cũng là một phần lý do khiến cho nét đẹp thư pháp dễ bị mai một theo thời gian. Đây là nỗi trăn trở lớn của tôi.”
Lớp học giữ lửa di sản
Không muốn để thư pháp Việt sau này chỉ là ký ức xưa cũ, nhà thư pháp Lê Thiên Lý không ngừng thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật này, đặc biệt là lớp học thư pháp – nơi ông dành trọn tâm huyết, không gian để nhà thư pháp già truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, với hy vọng thư pháp Việt sẽ được gìn giữ và mang lại giá trị văn hóa lâu dài cho dân tộc.
Tham gia một buổi học tại lớp thư pháp này mới thấy sự tận tâm của nhà thư pháp Lê Thiên Lý. Vì nhiều học viên tại lớp còn rất mới mẻ với thư pháp nên ông nắn từng cách cầm bút, cách tạo bố cục, trình bày một bức thư pháp hoàn thiện.
Ý nghĩa nhất có lẽ là phần giảng giải về đạo lý sống, đạo làm người qua từng con chữ, như chữ Hiếu (孝) có phần trên là một phần của chữ Lão (老) (người lớn tuổi, bề trên), phần dưới là chữ Tử (子) (con cái), tức là hình ảnh một người con cõng cha mẹ trên lưng ngụ ý nói về việc con cái phải luôn kính trọng và lấy phụng dưỡng bậc sinh thành lên làm đầu.
Hiểu theo cách khác, chữ Hiếu được tạo bởi bộ Thổ 土 (đất) kết nối với bộ Tử 子 bằng một nét phẩy, như lời căn dặn của người cha với con là phải “cắm sào dưới đất” để giữ lấy lề thói của cha ông, của gia đình.
Chữ Hiếu cũng từng xuất hiện trong câu nói “phải hiếu với dân” của bác Hồ từng căn dặn lãnh đạo, cán bộ cần có sự kính trọng, yêu thương và lắng nghe nhân dân và để hòa với dân thành một khối đại đoàn kết.
Chính sự sâu sắc trong giảng dạy, nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã kéo thư pháp gần gũi hơn với các học viên tại đây.
Ban đầu khi mới mở lớp miễn phí, nhiều người cho rằng điều này là không tưởng, thế nhưng giữ vững quan điểm nâng niu sự học, đề cao con chữ, lớp học thư pháp miễn phí hiện tại của nhà thư pháp Lê Thiên Lý hiện tròn 15 năm, với 23 khóa cùng hàng trăm học viên với đa dạng độ tuổi và ngành nghề.
Bao lớp học trò của nhà thư pháp Lê Thiên Lý giờ đã trở thành những nghệ nhân thư pháp mới, đạt nhiều danh hiệu và giải thưởng về thư pháp của Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng. Đáng quý nhất, lớp học này không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi giữ gìn, thổi lửa cho một di sản văn hóa dân tộc.