Lớp học dựng cấp tốc trong 2 ngày ở Sơn La: Không để học sinh gián đoạn việc học

Nhận thấy nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương cùng người dân xã Pi Toong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) sơ tán học sinh và dựng lên lớp học tạm.

Lớp học dựng cấp tốc trong vỏn vẹn hai ngày, còn nhiều thiếu thốn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lò Văn Phiêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pi Toong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) cho biết, do những đợt mưa lớn kéo dài, một số điểm bản của Trường Mầm non Pi Toong và Trường Tiểu học Pi Toong đã xuất hiện các vết nứt trên nền nhà. Nhiều nơi ở của các hộ dân xung quanh cũng có nguy cơ sạt lở.

“Sau khi nhận được báo cáo từ hai điểm trường, chính quyền địa phương đã nhanh chóng di tản để đảm bảo an toàn của người dân và của các em học sinh.

Địa điểm di tản cách khu vực cũ khoảng 800m. Tại đây, trong hai ngày 14-15/9, các cán bộ, các chiến sĩ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tiến hành dựng lớp học tạm thời để đảm bảo việc học tập của các em học sinh không bị gián đoạn.

Công tác dựng lớp học tạm thời chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hai ngày. Ngày thứ nhất, tất cả mọi người từ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, người dân đều chia nhau lên đồi tìm kiếm tre, nứa. Ngày thứ hai, tất cả lực lượng cùng tiến hành dựng lớp học. Lớp học đơn sơ được dựng lên với diện tích khoảng 60m2, chủ yếu bằng tre nứa, che mái bằng fibro và căng bạt chắn mưa, chắn gió.

Lớp được chia làm hai gian: một gian dành cho lớp mầm non (gồm 17 trẻ) và gian còn lại dành cho lớp tiểu học (gồm 13 học sinh)” - lãnh đạo xã Pi Toong thông tin thêm.

 Các lực lượng cùng chung tay dựng lớp học tạm thời tại xã Pi Toong. Ảnh: NVCC.

Các lực lượng cùng chung tay dựng lớp học tạm thời tại xã Pi Toong. Ảnh: NVCC.

Theo ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La (tỉnh Sơn La), sau khi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số trường học trên địa bàn huyện tình trạng bị hư hỏng cơ sở vật chất.

“Cơn bão Yagi đi qua đã làm cho 70m tường rào tại một điểm trường của Trường Tiểu học Mường Bú (xã Mường Bú, huyện Mường La) bị đổ sập. Nắm bắt được tình hình, các lực lượng cán bộ, chiến sĩ đã hỗ trợ dọn dẹp đất đá.

Duy chỉ có hai điểm trường tại bản Nà Trà của Trường Mầm non Pi Toong và Trường Tiểu học Pi Toong (xã Pi Toong, huyện Mường La), ngay khi xuất hiện các vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương đã nhanh chóng di tản người dân đến khu vực mới an toàn hơn” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La cho biết.

Thầy Vi Chi, giáo viên Trường Tiểu học Pi Toong (hiện đang trực tiếp giảng dạy tại lớp học tạm thời của xã Pi Toong) cho biết, quãng đường từ trung tâm lên tới bản cách 7km, một quãng đường không quá xa xôi nhưng đầy rẫy những hiểm nguy. Những hôm thời tiết khô ráo, thầy Vi Chi có thể di chuyển giữa hai địa điểm được. Song, những lúc mưa gió, thầy phải ở lại trong lều sơ tán của dân, vì nguy cơ sạt lở rất cao, việc đi lại là vô cùng nguy hiểm.

 Lớp học tạm thời xã Pi Toong được dựng cấp tốc chỉ trong 2 ngày. Ảnh: NVCC.

Lớp học tạm thời xã Pi Toong được dựng cấp tốc chỉ trong 2 ngày. Ảnh: NVCC.

Nam giáo viên cũng không ngần ngại trải lòng: “Có rất nhiều những khó khăn khác khi dạy học cạnh những lều sơ tán như thế này. Khó khăn trước mắt là về bất đồng ngôn ngữ, vì hầu như học sinh ở đây đều chỉ biết tiếng H’Mông. Mặc dù, trước đó, tôi đã tự học tiếng H’Mông để có thể giao tiếp cơ bản, nhưng không phải quá thành thạo, điều này cũng gây ra những hạn chế nhất định trong lúc giảng bài hay khuyên nhủ các con, nhất là trong giai đoạn này, phải ăn ở và học tập trong môi trường mới, khiến các con còn nhiều lạ lẫm, e dè.

Điều kiện sinh hoạt ở đây vô cùng thiếu thốn, nhất là nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương phải huy động cả xã lắp đặt máy bơm nước từ khe suối, cách lều sơ tán khoảng 500m. Tất cả lượng nước sạch chỉ vừa đủ để nấu cơm cho người dân trong bản và rửa tay chân cho các con. Nguồn điện cũng được kéo từ dưới bản lên các lán, dưới điều kiện thời tiết vẫn còn mưa lớn kéo dài, tiềm ẩn những nguy hiểm…”.

 Thầy Vi Chi, giáo viên Trường Tiểu học Pi Toong đang hướng dẫn học sinh tại lớp học tam thời của xã Pi Toong. Ảnh: NVCC.

Thầy Vi Chi, giáo viên Trường Tiểu học Pi Toong đang hướng dẫn học sinh tại lớp học tam thời của xã Pi Toong. Ảnh: NVCC.

Các thầy cô vừa là giáo viên vừa là bảo mẫu vì tương lai của con em

Thầy Chi không giấu được niềm xúc động: “Tuy khó khăn là thế, nhưng hình ảnh toàn các khối đoàn thể, toàn quân, toàn dân cùng chung tay góp sức, động viên tinh thần thầy cô, phụ huynh… sẽ luôn khắc sâu trong tâm trí một người giáo viên như tôi. Từ các cấp lãnh đạo, các cán bộ, các chiến sĩ đều đến tận nơi để thăm hỏi tình hình, kịp thời hỗ trợ các vấn đề sinh hoạt. Các đoàn khảo sát cũng thường xuyên đến để kiểm tra khu vực đất đá, nhằm đảm bảo an toàn cho các con và các hộ dân nơi đây”.

Bên cạnh đó, thầy Chi cũng chia sẻ: “Tôi cùng các thầy cô giáo khác cũng luôn tâm sự, chia sẻ với các con, động viên các con đến trường học chữ.

Vì sĩ số lớp quá ít để chia thành lớp riêng, nên 8 học sinh lớp 1 và 5 học sinh lớp 2 phải học chung với nhau. Lớp ghép được chia thành hai dãy, ngồi ngược hướng nhau để thuận tiện trong việc theo dõi bài giảng.

Tôi vừa giao bài cho các học sinh lớp 2 xong, thì lại quay sang giảng bài cho các học sinh lớp 1.

Công việc dạy học khá vất vả, vì các con còn quá nhỏ để tự linh hoạt trong việc tiếp thu kiến thức. Dẫu biết chất lượng giảng dạy sẽ không thể đảm bảo so với lúc trước, nhưng trong thời điểm thời tiết hiện tại, giúp các con nhận biết được mặt chữ là đã tốt rồi”.

 Lớp ghép với 8 học sinh lớp 1 và 5 học sinh lớp 2. Ảnh: NVCC.

Lớp ghép với 8 học sinh lớp 1 và 5 học sinh lớp 2. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Trịnh Xuân An, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pi Toong cũng cho biết: “Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các thầy cô cùng các lực lượng chức năng không chỉ thực hiện dựng lớp học tạm thời mà còn phải đồng thời sơ tán 48 hộ dân, nên quá trình ổn định cũng có nhiều thử thách.

Chưa bao giờ, nhà trường phải chuyển về nơi sơ tán với điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn đến như vậy. Các lều trại chỉ mang tính chất dựng tạm, vậy nên chúng tôi cũng rất lo sợ lều bị sập mỗi khi mưa gió đến.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn rất vui vì phần lớn học sinh vẫn tham gia lớp học đầy đủ. Cô giáo mầm non vẫn đến lớp và tham gia giảng dạy mặc dù điều kiện đường sá xa xôi. Còn lớp tiểu học, vì không đủ học sinh nên chúng tôi tiến hành ghép các học sinh lớp 1 và lớp 2 vào cùng một gian học, do một thầy giáo ở Trường Tiểu học Pi Toong giảng dạy. Việc dạy hai trình độ cùng một lúc, trong một không gian lớp học như vậy, chắc chắn chất lượng sẽ không đảm bảo như trước kia nhưng vì điều kiện thiên tai nên các thầy, cô giáo và học sinh luôn cố gắng hết sức mình”.

Được biết, nơi sơ tán cách khu ở cũ 800m, địa hình không mấy bằng phẳng, nên công tác dạy học tương đối vất vả.

“Là một lớp học tạm đơn sơ, bao phủ bởi lều, bạt và tre nứa, mà học sinh vẫn còn độ tuổi vui chơi nên khi chuyển tới nơi học mới, nhiều học sinh đã trốn học về nhà cũ. Đó là điều chúng tôi lo sợ nhất. Mỗi lúc như thế, chúng tôi lại hốt hoảng đi tìm các con giữa lúc mưa gió, chỉ sợ các con quay trở về khu vực sạt lở. Chính bởi vậy, tôi cũng như các thầy cô đều không dám lơ là để cho các con ra chơi giữa buổi học.

Hơn nữa, khi được sơ tán về chỗ ở mới, các bậc phụ huynh vẫn chưa quan tâm con em của mình, ít khi đưa đón các con về nhà sau mỗi giờ học. Vì vậy, các thầy cô vừa là giáo viên vừa là bảo mẫu.

Biết là các con còn nhỏ, không quen với môi trường mới, phụ huynh lại chưa đủ sự quan tâm, chăm sóc, nên chúng tôi cố gắng tích cực động viên các con từng ngày, rằng đây chỉ là một nơi học tập tạm thời, một thời gian nữa, các chú sẽ xây một ngôi trường mới hơn, đẹp hơn, có nhiều đồ chơi cho các con hơn. Nghe vậy, các con đã không còn trốn về nhà cũ nữa”, thầy Chi chia sẻ thêm.

Vượt 15km đường trơn, vai mang balo, chân đi ủng, leo dốc đến trường

Cô Lò Thị Nhung, giáo viên Trường Mầm non Pi Toong (hiện đang dạy học cho 17 trẻ mầm non tại lớp học tạm thời) chia sẻ: “Lớp học tạm chỉ được dựng lên trên nền đất lạnh, nên cô và trò không thể ngồi dưới sàn để cùng học hát, ngâm thơ như thời gian trước đây. Hơn nữa, đồ dùng học tập, vui chơi cho trẻ cũng còn rất thiếu thốn. Thương các con, nên các thầy cô lại vận động phụ huynh cùng chế tạo đồ chơi từ các bìa các-tông, dùng chai lọ tái chế để tạo hình các con thú, đồ vật, tận dụng những bức tranh, ảnh cũ để minh họa cho các con”.

 Lớp học mầm non tạm thời với 17 trẻ nằm bên cạnh lớp tiểu học. Ảnh: NVCC.

Lớp học mầm non tạm thời với 17 trẻ nằm bên cạnh lớp tiểu học. Ảnh: NVCC.

“Buổi sáng, vì đường sá hiểm trở, các con và phụ huynh thường chờ cô giáo đến rồi mới vào học. Lớp học thường nghỉ trưa lúc 10 giờ 30 phút, trẻ sẽ chờ phụ huynh đón về hoặc theo các anh chị học tiểu học ở gian bên cạnh về nhà. Đến 14 giờ, các con lại quay lại lớp học để học tập.

Những hôm trời nắng, tôi thường mang máy tính, mở những video vui nhộn cho các con xem. Mặc dù biết các con rất thích xem video, nhưng vì ở trên bản, sóng điện thoại còn chập chờn, lại không có mạng internet, nên các cô cũng phải thay nhau hát múa phụ họa để bài học thêm sinh động và hấp dẫn các con” - nữ giáo viên chia sẻ.

Cô Nhung bộc bạch: “Khu vực lớp học tạm thời thường hay mất sóng điện thoại, mất mạng cũng gây khó khăn rất lớn trong việc tiếp nhận thông tin. Trong mấy ngày dạy học ở điểm sơ tán, tôi thường cầm điện thoại đi xung quanh khu vực để dò sóng. Chỗ nào phát hiện sóng điện thoại là tôi đặt điện thoại ở chỗ đấy, tránh bị mất liên lạc với mọi người. Ấy vậy, vẫn có những lúc không hứng được vạch sóng nào. Các thông báo từ nhà trường đều được gửi qua Zalo. Trong trường hợp mất mạng, nếu nhà trường thông báo mà không thấy tôi phản hồi, các thầy cô sẽ gọi điện trực tiếp cho tôi. Còn nếu vì mất sóng điện thoại mà tôi không nghe máy được, thì nhà trường sẽ nhờ các thầy cô, phụ huynh xung quanh lớp học thông tin cho tôi biết. Do đó, cũng có vài trường hợp, tôi không nhận được thông báo kịp thời.

Hôm nào có mạng, tôi tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa để soạn giáo án cho 2-3 ngày dạy tiếp theo. Phần lớn các trẻ ở đây nói tiếng H’Mông nên tôi cũng phải nhờ thêm phụ huynh, bản thân tôi mới giao tiếp cơ bản một số từ đơn giản với các con như: đi học, ăn cơm, nghỉ trưa, vệ sinh… Tôi ghi tất cả vào một cuốn sổ nhỏ và thực hành để nói chuyện với các con”.

 Con đường đất di chuyển vào ngày nắng ráo thì dễ dàng hơn, còn vào những ngày mưa gió, sẽ trở thành thử thách của giáo viên. Ảnh: NVCC.

Con đường đất di chuyển vào ngày nắng ráo thì dễ dàng hơn, còn vào những ngày mưa gió, sẽ trở thành thử thách của giáo viên. Ảnh: NVCC.

Cô Nhung chia sẻ: “Vì nhà tôi cách lớp học tạm này gần 15km nên quãng đường di chuyển rất vất vả. Sau ảnh hưởng của bão lũ, đường đi vừa nhiều bùn đất bẩn lại rất trơn trượt và khúc khuỷu nên tôi thường phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị. Những hôm trời mưa, tôi không dám lái xe nên đành phải vai mang balo, chân đi ủng, leo dốc đến trường. Hôm nào đi dạy, chẳng may bị trượt ngã hay quần áo bị dính lấm lem bùn đất, không có đồ để thay, tôi lại tiếp tục cuốc bộ về nhà. Địa hình hiểm trở với đất đá trơn trượt, mưa gió kéo dài khiến tôi cũng không ít lần cảm thấy lo lắng.

Những hôm thời tiết thuận lợi, tôi dậy sớm chuẩn bị cơm trưa mang tới điểm trường. Còn những hôm mưa lớn, vì sợ ngã sẽ bị đổ cơm, nên tôi vào điểm trường, cùng các thầy cô san sẻ tô mì gói, hay những nắm xôi nho nhỏ” - nữ giáo viên nhớ lại.

 Tổ chức liên hoan Tết Trung thu cho học sinh. Ảnh: NVCC.

Tổ chức liên hoan Tết Trung thu cho học sinh. Ảnh: NVCC.

Mong cuộc sống sớm trở lại bình thường, trẻ em có điều kiện học tập, vui chơi như trước

Cô Võ Thị Lí, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pi Toong cũng bày tỏ: “Dù điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, dụng cụ học tập chưa được trang bị đầy đủ, nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cấp lãnh đạo, các chiến sĩ bộ đội, công an, lực lượng thanh niên trong địa bàn xã, trẻ em vẫn được ưu tiên hỗ trợ học tập, sinh hoạt, ăn uống đầy đủ.

Vừa rồi, với mục đích động viên, khích lệ các con, thanh niên đoàn xã và các thầy cô giáo đã tổ chức một buổi liên hoan Tết Trung thu nho nhỏ, ấm áp, với những món quà giản dị là kẹo, bánh, bim bim…

Chúng tôi cũng rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp chính quyền, để cuộc sống của các con sớm trở lại bình thường, có điều kiện để học tập, vui chơi như bao bạn bè đồng trang lứa”.

Nguyễn Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lop-hoc-dung-cap-toc-trong-2-ngay-o-son-la-khong-de-hoc-sinh-gian-doan-viec-hoc-post245621.gd
Zalo