Chiều nay, 13-8, các học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch BCH Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ nhất) đã có buổi tham quan, nghiên cứu thực tế tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an.
Đoàn học viên do PGS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (áo trắng, giữa) dẫn đầu, được Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ (bìa trái) giới thiệu ban lãnh đạo Bộ Tư lệnh.
Đoàn học viên được Bộ Tư lệnh CSCĐ giới thiệu về quá trình 50 năm hình thành phát triển lực lượng và thành tích 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT.
Trong chương trình đi thực tế, các cán bộ được quy hoạch BCH Trung ương khóa XIV đã quan sát hoạt động biểu diễn, diễn tập của lực lượng CSCĐ. Trong ảnh, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an (áo trắng, giữa) cùng lớp cán bộ nguồn dự buổi diễn tập.
Các chiến sĩ cảnh sát cơ động biểu diễn tập thể bài quyền tay không 58 động tác. Các bài quyền như thế này giúp cho cán bộ chiến sĩ sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, triệt phá, phản xạ, phòng thủ trong các tình huống.
Nữ cảnh sát cơ động biểu diễn kê tay không chịu lực từ búa tạ để đập vỡ quả dừa.
Màn vận khí công để chịu lực đập mạnh gãy thanh gỗ của nam chiến sĩ CSCĐ
Trong cuộc diễn tập có nội dung giải tán đám đông quá khích. Trong ảnh là thao tác dựng hàng rào ngăn cản đám đông quá khích.
Trong bài tập này, chiến sĩ kỵ binh được huy động xuất kích trấn áp giải tán đám động.
Cùng với đó là xe vòi rồng tiến vào yểm trợ.
Qua tôi luyện gian khổ, sức mạnh của các chiến sĩ CSCĐ trở nên phi thường khi có thể kéo xe bọc thép chống đạn nặng hàng chục tấn.
Sau khi quan sát màn thực binh xử lý tình huống của lực lượng CSCĐ, đoàn học viên đã tham gia phần thảo luận, trao đổi với lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá lực lượng CSCĐ Việt Nam đã đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, thực sự là những tấm gương sáng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
VỮNG NGUYỄN