Lòng quảng đại không thể đong đếm kiểu thành tích

Cái tin trường học chỉ phát giấy khen cho học sinh nào quyên góp cứu trợ bão lũ từ 100.000 đồng trở lên, chắc hẳn khiến những ai đọc được đều bất bình, thậm chí choáng váng. Bởi nếp nghĩ, cách làm cứng nhắc và nhuốm màu thành tích đó ngự trị, lan ra thì nó sẽ có sức tàn phá chẳng kém gì những cơn bão dữ.

Chuyện vừa xảy ra tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Gò Vấp, TP.HCM – địa phương luôn tích cực trong công tác quyên góp cứu trợ thiên tai(*). Theo đó, hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương, ban giám hiệu nhà trường phát động phong trào gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) tới cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh và học sinh. Kết quả nhà trường nhận được hơn 268 triệu đồng từ học sinh 45 lớp học.

Sáng 23.9, nhà trường tổ chức trao giấy khen để động viên học sinh tích cực tham gia phong trào. Thế nhưng, việc khen thưởng đã khiến nhiều phụ huynh bất bình. Theo một phụ huynh học sinh lớp 1, tìm mãi không thấy con trong tấm ảnh chụp tập thể lớp nhận giấy khen, chị thắc mắc thì được giáo viên chủ nhiệm giải thích chỉ học sinh nào đóng góp trên 100.000 đồng mới được nhận giấy khen.

Có nghĩa là tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, đặc biệt ở đây là của những em nhỏ tuổi đồng ấu, đã bị những người lớn làm trong ngành giáo dục đặt lên bàn cân rồi đo đếm như một thứ thành tích phải đua chen?

Trong suốt những tuần lễ qua, dù cho có là con số bạc tỷ của doanh nhân, tổ chức hay vài chục triệu của những cán bộ hưu trí, cho đến vài chục nghìn của các bạn trẻ thì cũng đều được đón nhận với tinh thần “của ít lòng nhiều” gửi đến đồng bào đang gánh chịu đau thương, thiệt hại do thiên tai. Còn có rất nhiều người không xưng danh tánh, âm thầm ủng hộ tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm… càng thể hiện sự tương thân, tương ái cao quý.

Giữa nghĩa cử của họ và lối “khen thưởng” có phần phản giáo dục của trường tiểu học nọ nhắc nhớ bài học trứ danh về sự quảng đại trong sách sử Do Thái. Đứng trước đền thờ quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm công đức, nhà hiền triết lỗi lạc Jesus of Nazareth thấy lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Nhưng trong đám đông ấy, lại có một bà góa nghèo rón rén đến bỏ vào hai đồng kẽm, giá trị chỉ bằng một phần tư xu La Mã. Ông liền bảo với các đồ đệ rằng: “Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì những người kia chỉ bỏ ra khoản dư thừa của mình, còn người đàn bà túng thiếu ấy đã bỏ vào tất cả những gì mình có”.

Ngày mưa bão, lũ lụt đã chứng kiến không ít những “bà góa nghèo” ở phương Nam. Em Nguyễn Huỳnh Bảo Nguyên (học sinh Trường THPT Marie Curie, quận 3) đã gom hết khoản tiết kiệm từ tiền mẹ cho ăn sáng để gửi vào tài khoản của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. “Mỗi ngày mẹ cho con 40 ngàn, con thường tiêu 35 ngàn, còn 5 ngàn để dành. Số tiền con ủng hộ đồng bào là tiền để dành từ đầu năm học đến nay”, em nói.

Xúc động hình ảnh học sinh ở TP.HCM mang theo heo đất, bếp gas, sữa tươi, mì gói, tập vở… gửi đến trường để ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Xúc động hình ảnh học sinh ở TP.HCM mang theo heo đất, bếp gas, sữa tươi, mì gói, tập vở… gửi đến trường để ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Tại điểm tiếp nhận của trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Thủ Đức (TP.HCM), em Võ Uyên Phương (học sinh Trường Tiểu học Đặng Thị Rành, phường Hiệp Bình Phước) cũng đóng góp số tiền 3.709.000 đồng để dành trong heo đất với lời nhắn gửi mộc mạc: “Mình có món quà nhỏ gửi đến các bạn học sinh đang gặp khó khăn trong lũ lụt. Mong các bạn sớm được đến trường cùng bạn bè, thầy cô. Miền Bắc cố lên”.

Vậy nên, bỏ tất cả tấm lòng của mỗi chúng ta vào lời kêu gọi cứu trợ mới là một cách cho đi lớn lao hơn cả. Việc lợi dụng bác ái dưới bất cứ hình thức nào, kể cả tư tưởng chạy đua thành tích quyên góp từ thiện, đều là biểu hiệu lệch lạc nhân cách.

Lại nói về “căn bệnh” thành tích nói chung và trong giáo dục nói riêng vốn dĩ là một thứ nan y, mãn tính và rất khó chữa bởi cái tư duy xem trọng về lượng mà hoàn toàn không có thực chất. Chắc cũng không còn đủ sức và giấy mực để liệt kê các vụ việc cùng hệ lụy của bệnh chạy theo thành tích, chỉ có thể đúc kết sự nguy hại đáng sợ nhất của nó là khiến từng cá nhân và cả xã hội ngụp sâu trong dối trá.

Cho đến khi những trận bão kéo tới, bệnh thành tích tiếp tục di căn qua cả việc kêu gọi sự tự nguyện quyên góp cứu trợ thì lại quả là một tai ương khác thuộc “type” nhân tai nặng nề chả thua thiên tai. Việc phát động phong trào giúp đỡ tha nhân trong trường học đáng lẽ đã là một cách giáo dục quá tốt, quá cụ thể và thiết thực về tâm tình biết sẻ chia cho học sinh. Càng giá trị hơn, nếu qua lời kêu gọi hướng về đồng bào đang khốn khó mà nhà trường giúp các em lan tỏa sự quảng đại ở tầm mức cao nhất là cho đi tất cả những gì mình có như “hai đồng kẽm của bà góa”.

Ấy thế mà không, tấm lòng của không ít em bé đã bị quy ra bằng con số thì mới được… “khen”. Nếp nghĩ, cách làm cứng nhắc và nhuốm màu thành tích như vậy nếu cứ ngự trị, lan ra thì nó sẽ có sức tàn phá chẳng kém gì những cơn bão dữ. Bởi những sang chấn tâm lý ngay từ nhỏ, và nếu cứ lặp lại, lớn dần dễ khiến một thế hệ còn quá trẻ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy “ngụy thành tích” khiến con người tương lai dễ ảo tưởng, lừa lọc, sống hình thức, dối trá...

Quốc Ngọc

______________________

(*) Liên quan đến vụ gây xôn xao dư luận về việc trao giấy khen cho học sinh ủng hộ bão lũ xảy ra tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP.HCM), trả lời báo chí ngày 25.9, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết đã yêu cầu nhà trường báo cáo sự việc. Phòng đã đề nghị các thầy, cô, hiệu trưởng cẩn trọng trước khi quyết định làm một việc gì để tránh gây tổn thương phụ huynh, học sinh và gây bức xúc dư luận. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Gò Vấp nói thêm việc khen thưởng phải nhằm mục đích động viên học sinh có thành tích nổi bật nhưng vẫn tạo tâm lý thoải mái cho những học sinh không được khen thưởng.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/long-quang-dai-khong-the-dong-dem-kieu-thanh-tich-45435.html
Zalo