Lòng nhiệt huyết nghề giáo ở vùng cao Co Mạ
Ở vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, những giáo viên thầm lặng, ngày ngày vượt qua biết bao khó khăn để gieo mầm tri thức cho học sinh vùng đồng bào dân tộc Mông.
Co Mạ là xã trung tâm của 6 xã vùng cao huyện Thuận Châu, nơi đây có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường PTDT bán trú THCS và 1 trường THPT, với 2.851 học sinh. Là vùng cao, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông giá rét, các điểm trường xa trung tâm. Khó khăn là vậy, song các thầy, cô giáo nơi đây vẫn luôn vững bước, yêu nghề, mang con chữ lên bản làng, thắp sáng tương lai cho các em nhỏ.
Nghề dạy học trên vùng cao gặp nhiều khó khăn, khi phần lớn phụ huynh đi làm thuê xa nhà, việc chăm sóc con cái phó thác lại cho ông bà và người thân, các em học sinh phải tự đi bộ đến trường. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các nhà trường còn thiếu các phòng chức năng, trang thiết bị học dạy học, phòng ở nội trú thiếu và xuống cấp. Các điểm trường lẻ ăn bán trú theo hình thức dân nuôi, buổi sáng bố mẹ trẻ đưa con tới lớp mang theo cặp lồng cơm cho các con ăn, ngủ trưa tại lớp.
Phần lớn học sinh bậc học tiểu học và mầm non chưa thành thạo tiếng Việt, giao tiếp đôi khi gặp nhiều trở ngại. Bởi vậy, các thầy cô phải nỗ lực dạy học và tự học tiếng Mông, tìm hiểu văn hóa và phong tục của người dân địa phương để có thể giao tiếp, gần gũi với các em hơn.
Cô giáo Cao Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh, Co Mạ, chia sẻ: Năm học 2024-2025, toàn trường có 19 lớp, 610 trẻ đang học tại 11 điểm trường; có 35 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đội ngũ giáo viên. Hiện nay, nhà trường có 265 trẻ được ăn bán trú theo Dự án “Nuôi em Mộc Châu”.
Hơn 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô giáo Ngô Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Co Mạ, là người thấu hiểu những khó khăn của người dân, học sinh nơi đây. Cô Huyền bộc bạch: Hầu hết giáo viên ở đây phải tự học tiếng Mông, gắn bó gần gũi với gia đình học sinh để hiểu và chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của họ. Sau hơn 30 năm công tác tại vùng cao này, đã có 12 học sinh của tôi đã trưởng thành làm giáo viên và có gần 30 học sinh làm y tá, cán bộ đoàn thanh niên, địa chính, công chức ở xã.
Ở bậc trung học cơ sở, những câu chuyện về thầy cô thường xuyên xa nhà để dạy học không còn xa lạ. Các thầy cô giáo vừa giảng dạy, vừa là những người truyền cảm hứng, khơi dậy ước mơ cho các em. Nhiều giáo viên phải tạm xa gia đình, để đảm bảo lịch dạy học đều đặn, bất kể thời tiết có khắc nghiệt thế nào.
Thầy giáo Lê Trung Kiên, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú - THCS Co Mạ, cho biết: Phần lớn giáo viên nhà trường ở trung tâm huyện, hoặc ở Thành phố, dù khó khăn, nhưng tất cả đều yêu nghề. Chúng tôi luôn là người bạn, người thân, sẵn sàng chia sẻ và gắn bó với từng học sinh. Mỗi em học sinh tiến bộ, đỗ đạt là phần thưởng lớn nhất đối với tập thể nhà giáo.
Ở vùng cao Co Mạ này, Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng rất bình dị, dù điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn, song không khí tại các điểm trường luôn trở nên rộn ràng và ấm áp. Các em học sinh đã tự tay làm những món quà đơn giản nhưng đầy tình cảm để dành tặng cho các thầy cô. Những tấm thiệp tự vẽ, những bông hoa dại hái từ trên núi, những điệu múa, câu hát mộc mạc của các em như những lời cảm ơn chân thành nhất đến các thầy cô.
Cô giáo Cà Thị Quỳnh, giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Co Mạ, chia sẻ: Ngày 20/11 ở Co Mạ là một kỷ niệm đặc biệt. Dù món quà chỉ là những bông hoa rừng, những lời chúc đôi khi còn ngây thơ, nhưng đó là cả tấm lòng của các em dành cho chúng tôi. Những lúc như thế này, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào về nghề giáo hơn bao giờ hết.
Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết, các thầy cô giáo ở vùng cao Co Mạ vẫn luôn giữ vững nhiệt huyết, lòng yêu nghề, tiếp tục “gieo chữ” và thắp sáng ước mơ cho trẻ em nơi vùng cao.