Lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 30/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 55-KL/TW, ngày 8/1/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) 'Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước' và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) 'Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới'.
Theo Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phùng Văn Dũng, phụ nữ chiếm khoảng 50,4% dân số Thủ đô và chiếm 42,8% tổng số đảng viên Đảng bộ TP. Trong 10 năm qua, công tác phụ nữ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cùng sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội TP góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Thủ đô.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền TP tập trung chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới. UBND TP, quận, huyện đã phê duyệt triển khai 42 đề án, kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện về sức khỏe, phẩm chất đạo đức, nâng cao quyền năng kinh tế, phòng ngừa bạo lực và xâm hại phụ nữ. HĐND TP đã ban hành nghị quyết chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai hiệu quả, tập trung thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp. Trong đó, 1.870 khóa đào tạo đã được tổ chức; hơn 154.000 hộ gia đình phụ nữ đã được hỗ trợ vay tổng số 7.915 tỷ đồng. Các cấp hội đã giúp 6.050 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo, 15.122 hộ cận nghèo nâng cao mức sống. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 48,5%; tỷ lệ nữ có việc làm/tổng số người có việc làm là 48,79%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 21,1%...
Ngoài ra, với sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội, đội ngũ cán bộ nữ của Thủ đô đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ trước, trong đó cấp TP đạt 19,7% (tăng 7,7%); 25% Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 24,13%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng tăng so với nhiệm kỳ trước từ 2,4% đến 11,2%.
Đến nay, Hội LHPN TP có 33 đầu mối trực thuộc cấp huyện, 747 cơ sở hội, 5.302 chi hội, 11.581 tổ phụ nữ. 100% cán bộ chuyên trách TP, quận, huyện, thị xã có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Trong 10 năm qua, toàn TP đã phát triển 129.936 hội viên, đưa tổng số hội viên quản lý lên 913.988 người.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, công tác phụ nữ được đặt trong tổng thể công tác chính trị của TP; được lồng ghép vào các chương trình, nghị quyết, cơ chế chính sách trên các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế-xã hội. 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế của TP đạt bình quân khoảng 7%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn luôn được bảo đảm, tạo ra môi trường cho phát triển, bảo đảm mọi mặt đời sống người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.
Ngoài ra, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhất là cấp TP và quận, huyện đều tăng so với trước. Cán bộ nữ đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình đã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đúng với năng lực, sở trường.
Phó Bí thư Thành ủy cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: Chính sách đặc thù cho phụ nữ Thủ đô chưa có nhiều; hệ thống cơ chế, chính sách về phụ nữ, bình đẳng giới chưa có, chưa tiến hành; khoảng cách về đời sống, việc làm, cơ hội phát triển cũng như hưởng thụ còn khoảng cách giữa trung tâm và xã trung tâm; một số nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù chưa có chính sách quan tâm tương xứng với điều kiện của TP…
Theo ông Phong, xác định hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác quy hoạch là sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, giữa nội đô và ngoại thành; giữa các khu vực ngoại thành. Do đó, cần làm tốt công tác quy hoạch để một mặt vừa nâng cao đời sống vật chất nhưng cũng phải quan tâm nâng cao đời sống tinh thần. Đây chính là chỉ số hạnh phúc của con người và thụ hưởng trước tiên là trẻ em, phụ nữ.
Ông Phong yêu cầu các cấp hội đoàn thể phải quan tâm 3 đối tượng như kiềng 3 chân là đối tượng yếu thế; đối tượng đại trà; đối tượng tiên tiến, xuất sắc… để tạo nên động lực, khát vọng cho các đối tượng khác học tập, vươn lên. “Tất cả nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là vùng xa trung tâm. Nếu làm tốt điều đó chính là làm tốt công tác phụ nữ…”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Tại hội nghị, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ 2 vấn đề. Thứ nhất là, chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương lồng ghép các chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiệm vụ của các ngành; chỉ đạo quyết liệt việc thu thập, tổng hợp số liệu phải có phân tách giới và thực hiện bộ chỉ số về giới.
Thứ hai là, nghiên cứu chủ trương hỗ trợ phụ nữ tham gia tích cực trong tiến trình chuyển đổi số, chính quyền điện tử; nghiên cứu đề xuất một số chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện như đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Hà Nội cũng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng giới về độ tuổi trong quy hoạch, quan tâm chuẩn bị nguồn cán bộ nữ cấp ủy cho nhiệm kỳ 2025-2030 và các nhiệm kỳ tiếp theo.