Long An qua lăng kính nghệ thuật

Vùng đất Long An là sự hòa quyện giữa hào khí cách mạng, nét bình dị của miền sông nước và diện mạo hiện đại đang khởi sắc từng ngày. Chính vẻ đẹp đó tạo nên nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm giàu cảm xúc, phản ánh sinh động hình ảnh quê hương và con người nơi đây.

Bức tranh cổ động Dừng lại của cố họa sĩ Lê Lam là biểu tượng thiêng liêng về tinh thần bất khuất, kiên cường của người phụ nữ Long An

Bức tranh cổ động Dừng lại của cố họa sĩ Lê Lam là biểu tượng thiêng liêng về tinh thần bất khuất, kiên cường của người phụ nữ Long An

Dừng lại - dáng hình người con long an kiên cường, bất khuất

Giữa kho tàng mỹ thuật kháng chiến Việt Nam, bức tranh cổ động Dừng lại của cố họa sĩ Lê Lam là biểu tượng thiêng liêng về tinh thần bất khuất, kiên cường của người phụ nữ Long An. Tác phẩm dựa trên một sự kiện có thật về cuộc biểu tình của nhân dân huyện Đức Hòa ngăn xe thép quân địch càn xuống ruộng lúa đang chín. Bức tranh chạm đến trái tim người xem bởi hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé - chị Tư Cào - tay không chặn đoàn xe bọc thép của địch.

Chị Tư Cào tên thật là Võ Thị Cào, sinh năm 1939, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là người phụ nữ chuyên nghề “bà mụ” (đỡ đẻ). Với vẻ ngoài mộc mạc, nhỏ nhắn, chân đi khập khiễng, miệng nhai trầu nhưng chị lại đầy gan dạ, dám nhảy ra trước xe địch, “dang hai chân hai tay thét liên tục: Dừng lại! dừng lại!” để ngăn chúng tàn phá mùa màng.

Họa sĩ Lê Lam đã dùng chất liệu sơn dầu để truyền tải sức nóng của chiến trường miền Nam với các cột khói ngút cao, tương phản với sắc vàng, xanh bình yên của đồng lúa miền Nam. Điểm nhấn của bức tranh là hình ảnh chị Tư Cào mặc áo bà ba nâu, đội khăn rằn, dang hai tay, đối đầu trực diện với xe bọc thép. Những đường nét khỏe khoắn, sắc màu mạnh mẽ và bố cục chặt chẽ thu hút người xem.

Sau khi ra đời, Dừng lại nhanh chóng trở thành biểu tượng tinh thần dũng cảm lan tỏa khắp miền Nam, Bắc. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến xem bức tranh, tác phẩm sau đó được in ra hàng triệu bản và có mặt trên khắp mặt báo, triển lãm trong và ngoài nước. Ngày nay, tại Bảo tàng Long An (thuộc Bảo tàng - Thư viện tỉnh) vẫn còn lưu giữ bút tích của cố họa sĩ Lê Lam và lời nhận xét của cố Tổng Bí thư Trường Chinh: “Dừng lại không những góp phần tái hiện lịch sử hào hùng của nhân dân Long An nói riêng, của dân tộc ta nói chung, hơn thế, còn thể hiện rõ khí phách Việt Nam”.

Miền quê yên ả - vẻ đẹp bình đạm vùng Đồng Tháp Mười

Sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, mảnh đất phương Nam hôm nay khoác lên mình "chiếc áo" thanh bình - nơi nhịp sống chậm rãi, thiên nhiên hiền hòa và con người đôn hậu. Chính vẻ đẹp ấy trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nghệ sĩ. Trong số đó, họa sĩ Nguyễn Tâm chọn gửi gắm tình cảm của mình về vùng quê Đồng Tháp Mười vào bức tranh Miền quê yên ả.

Họa sĩ Nguyễn Tâm chọn gửi gắm tình cảm của mình về vùng quê Đồng Tháp Mười vào bức tranh “Miền quê yên ả”

Họa sĩ Nguyễn Tâm chọn gửi gắm tình cảm của mình về vùng quê Đồng Tháp Mười vào bức tranh “Miền quê yên ả”

Như một điệu lý ngọt ngào, nhẹ nhàng mà sâu lắng, Miền quê yên ả khắc họa không gian xanh mướt cùng nhịp sống yên bình, đầy thi vị. Lối bố cục mở, không có điểm kết thúc rõ ràng khiến người xem có cảm giác như đang ngồi dưới tán rừng tràm mướt xanh, phóng tầm mắt ra cánh đồng vàng rực phía xa. Sự hài hòa giữa ánh sáng dịu nhẹ, những gam màu xanh lam - lục - vàng được xử lý đầy tinh tế đã tạo nên một tổng thể thị giác vừa sâu lắng, vừa tươi mới.

Điểm đặc sắc của Miền quê yên ả nằm ở kỹ thuật dùng màu acrylic và xử lý không gian, tạo chiều sâu cảm xúc. Những thân cây tràm thẳng tắp với lớp vỏ loang bạc đặc trưng tựa như một lớp rèm thiên nhiên, mở ra khung cảnh sinh hoạt bình dị: Một mái nhà lá, vài dáng người thấp thoáng, một chiếc xuồng neo bờ, gà thả bước, con đường đất nhỏ dẫn ra ruộng xa. Mọi chi tiết đều nhỏ bé nhưng lại có sức gợi mênh mang về nỗi nhớ, niềm thương, ký ức ấu thơ của những ai từng gắn bó với sông nước phương Nam.

Theo lời kể của họa sĩ Nguyễn Tâm, khung cảnh trong tranh được ông chắt lọc từ những lần đi thực tế ở vùng Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Kiến Tường,... Chính nguồn cảm xúc dạt dào về miền quê quá đỗi bình đạm, căng tràn sức sống khiến ông đặt bút tạo nên tác phẩm nghệ thuật này. Không có nhân vật chính, không có câu chuyện kịch tính, Miền quê yên ả vẫn đầy sức hút nhờ vào chính sự dung dị, thân quen ấy.

Tác phẩm được trao Giải C tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 29, năm 2024. Trong bối cảnh nghệ thuật hiện đại có xu hướng hướng đến cái lạ, phá cách, Miền quê yên ả đưa người xem trở về với cái đẹp truyền thống, về một câu chuyện quê bắt nguồn từ tình yêu nồng nàn dành cho đất phương Nam.

Xuân về - niềm tin về những khởi đầu mới

Trong dòng chảy không ngừng của thời đại, quê hương Long An không chỉ là cội nguồn trở về, mà còn là biểu tượng của sự đổi thay tích cực và hy vọng vào tương lai. Trong khoảnh khắc mùa xuân đang gõ cửa trên TP.Tân An nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiều Oanh đã kịp ghi lại vẻ đẹp ấy bằng một góc nhìn đầy sáng tạo trong tác phẩm Xuân về.

Bức ảnh “Xuân về” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiều Oanh tái hiện vẻ đẹp TP.Tân An những ngày vào xuân

Bức ảnh “Xuân về” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiều Oanh tái hiện vẻ đẹp TP.Tân An những ngày vào xuân

Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiều Oanh, mùa xuân về trên quê hương không chỉ là một thời điểm mà còn ngập tràn cảm xúc tự hào khi nhìn thành phố ngày một đổi thay, thân thiện, hiện đại mà vẫn chan hòa với thiên nhiên. Bức ảnh Xuân về được nghệ sĩ chọn lọc từ nhiều tấm ảnh sau những lần bay thử flycam, canh sáng và chờ đợi khoảnh khắc lý tưởng.

Nhìn vào bức ảnh, bố cục hình chữ X đặc biệt được tạo thành từ sự giao nhau của dòng sông Vàm Cỏ Tây và tuyến đường Hùng Vương dẫn vào thành phố. Bố cục chặt chẽ tạo nên sự cân bằng thị giác và mở ra các mảng không gian sống hài hòa giữa hiện đại và thiên nhiên trong đô thị.

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiều Oanh, bà muốn gợi nên liên tưởng về cánh chim lạc: Biểu tượng của khát vọng tự do, sức sống bền bỉ và niềm tin hướng về tương lai thông qua bố cục này.

Màu sắc trong bức ảnh được xử lý khéo léo, vừa bảo đảm sắc độ tươi tắn, vừa thể hiện sự dịu dàng của sắc xuân phương Nam. Những mảng xanh của cây cối, sắc vàng đỏ của chợ hoa tết hòa cùng ánh nắng sớm trải đều trên mái nhà, dòng kênh,... như thổi bừng lên không khí tươi mới, nhộn nhịp, gần gũi. TP.Tân An hiện ra trong khung hình không phải là đô thị ồn ào mà là một thành phố trẻ trung, văn minh, thân thiện, nơi mà sự phát triển luôn đồng hành cùng việc giữ gìn những giá trị truyền thống và cảnh quan tự nhiên.

Tác phẩm giành giải Nhất tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật Long An quê hương tôi lần thứ 35 năm 2023 do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh tổ chức. Xuân về không chỉ là một bức ảnh nghệ thuật mà còn là nơi nghệ sĩ gửi gắm tình yêu sâu đậm với quê hương mình. Long An hiện lên qua từng tác phẩm không chỉ với vẻ đẹp cảnh quan mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa. Dù mang dáng hình nào, quê hương vẫn mãi vẹn nguyên các giá trị thân thuộc, in đậm trong lòng bao thế hệ./.

Hoàng Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/long-an-qua-lang-kinh-nghe-thuat-a194393.html
Zalo