Lối 'xuất ngoại' của nhà sản xuất nhỏ
Thông qua các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng đẩy mạnh đưa sản phẩm đi xuyên biên giới và bước vào các quầy kệ siêu thị ở những thị trường khó tính.
Tuy nhiên để phát triển lâu dài, doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện sản xuất nhiều hơn nữa, chủ động phát triển thị trường và cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý.
Đẩy mạnh xuất qua kênh phân phối
Công ty TNHH MTV Phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina gần đây đã bàn giao 2 container hàng nhãn riêng Co.op Select như nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, cà phê… để xuất sang thị trường Mỹ.
Các sản phẩm này sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị H–mart thuộc Tập đoàn Hee Chang, nhà bán lẻ có hơn 100 điểm bán tại Mỹ. Theo kế hoạch, đến hết năm nay, SCD sẽ xuất sang thị trường này 20 container và xuất từ 120 – 150 container vào năm tới, trong đó có cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Đông….
Nhận định tiềm năng từ các sản phẩm bản địa đạt tiêu chuẩn quốc tế rất lớn, Saigon Co.op đang hợp tác với các nhà phân phối ở nước ngoài đưa những sản phẩm này tới tay người tiêu dùng trên thế giới.
"Thông qua những hợp đồng thương mại giữa SCD với đa dạng đối tác, trong đó có STC Natural Vina, hàng Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để chinh phục các thị trường lớn trên thế giới", ông Trần Anh Quang, Giám đốc Công ty SCD nói.
Thông qua đối tác NTUC FairPrice, Saigon Co.op cũng đã xuất hàng nông sản, thủy hải sản đến Singapore với giá trị hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Tương tự, nhà bán lẻ Aeon Việt Nam cũng đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp có tiềm năng để phát triển dòng hàng nhãn riêng cho chuỗi siêu thị này.
"Khi được chọn được sản phẩm, Aeon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn để bán trong chuỗi cửa hàng Aeon Việt Nam và các thị trường khác", ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam nói.
Nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng TopValu sản xuất tại Việt Nam như bún, miến, hàng nông sản... bán ở Malaysia, Hồng Kông khá được ưa chuộng nên Aeon đang đẩy mạnh nhóm mặt hàng thuần Việt này. Với nhóm hàng may mặc, Aeon chú trọng những sản phẩm có tính năng tích hợp, như chống tia UV, chống thấm nước...
Nhiều năm qua, hàng Việt đã xuất khẩu sang nước ngoài thông qua nhiều kênh phân phối khác như các siêu thị của Central Retail, Lotte…
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Retail, cho biết thông qua nhiều Tuần hàng Việt Nam được tổ chức tại hệ thống siêu thị tại Thái Lan, người tiêu dùng Thái Lan rất yêu thích các sản phẩm của Việt Nam như nhãn, thanh long, phở, cà phê… Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống siêu thị của Thái Lan không ngừng tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Ngoài kênh siêu thị cần hướng đến các sàn TMĐT
Dù hàng Việt đã đạt được những bước tiến lớn, nhưng để mở rộng quy mô xuất khẩu và gia tăng thị phần tại thị trường quốc tế, theo các nhà phân phối, doanh nghiệp Việt vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Đó là vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn thiếu đồng nhất. Dù đã có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư vào chất lượng sản phẩm.
Điểm hạn chế nữa là năng lực tài chính và nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cũng như thực hiện các chiến lược dài hạn để thâm nhập thị trường quốc tế.
Một số nhà sản xuất vì ngại khó đáp ứng hoặc khi tiếp cận các kênh phân phối thấy những yêu cầu đặt ra cao, khó khăn đã sớm bỏ cuộc.
Như tại Tập đoàn Aeon có những quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhập hàng như an toàn thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất, tồn dư hóa chất nông nghiệp…
"Có thể ở giai đoạn ban đầu, các nhà cung cấp làm việc với Aeon rất khó khăn, tuy nhiên, nếu họ nỗ lực và vượt qua được thì chắc chắn sau đó sẽ rất thuận lợi", ông Furusawa Yasuyuki lưu ý, và khuyên nhà sản xuất Việt cần phải kiên trì và nỗ lực để bước ra "biển lớn".
Một vấn đề khác, hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua kênh phân phối dưới nhãn hàng riêng của nhà nhập khẩu. Điều này dẫn đến thương hiệu của doanh nghiệp Việt ít người tiêu dùng nhận diện và biết đến.
Về điều này các chuyên gia thị trường lưu ý, doanh nghiệp không chỉ dựa vào kênh siêu thị mà cần hướng đến các kênh khác như các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới để phát triển thương hiệu của mình, kể cả những doanh nghiệp rất nhỏ.
Hiện các nền tảng như Amazon, Alibaba... cũng sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Việt. Đơn cử tại mạng lưới của Amazon đang giúp các đối tác bán hàng tiếp cận khách hàng toàn cầu ở hơn 200 thị trường.
“Trong 5 năm qua, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu với Amazon. Các doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế”, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nói và cho biết lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam đã tăng hơn 300%.
Do đó, bên cạnh kênh siêu thị, các doanh nghiệp nhỏ cần nắm bắt nền tảng TMĐT để xuất khẩu và phát triển dưới thương hiệu của doanh nghiệp mình.
Để hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống siêu thị và các nền tảng TMĐT, cần một chiến lược dài hạn với sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng.
Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường kết nối với các đối tác quốc tế.
Cần đầu tư vào hạ tầng logistics và chuyển đổi số. Đây là nền tảng để cải thiện năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam trong dài hạn.
Phía doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất bền vững, đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm với môi trường, lao động và nỗ lực cải thiện giảm chi phí.