Lợi và hại khi uống trà gừng
Trà gừng, dù là chế biến từ gừng tươi hay trà túi lọc mua ở cửa hàng, đều có thể có một số tác dụng phụ.
Gừng là loại dược liệu quen thuộc đối với người dân Việt Nam, được dùng nhiều để làm gia vị trong nấu ăn và chế biến đồ uống. Nhiều người thắc mắc ai không nên uống trà gừng và tần suất uống trà gừng tốt cho sức khỏe.
Phản ứng phụ của trà gừng
Theo một đánh giá có hệ thống năm 2019, gừng có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ. Tuy nhiên, điều này rất hiếm.
Một số tác dụng phụ, chẳng hạn như ợ chua, tiêu chảy và khó chịu ở bụng, có thể xảy ra khi một người tiêu thụ hơn 5 gam gừng mỗi ngày.
Trong một đánh giá năm 2020, 16 trong số 109 nghiên cứu mà giới chuyên môn đã thử nghiệm, cho biết chứng ợ nóng là một tác dụng phụ bất lợi của việc uống trà gừng.
Dẫu vậy, một bài báo năm 2014 lưu ý rằng tiêu thụ 1 gam đến 1,5 gam gừng khô mỗi ngày thực sự có thể giúp điều trị chứng ợ chua.
Tác dụng tiêu hóa
Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia Hoa Kỳ (NCCIH) lưu ý rằng gừng có thể gây ra hiện tượng đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy.
Trái lại, theo một bài báo năm 2016, gừng làm tăng khả năng làm rỗng dạ dày. Điều này có thể giúp giảm các triệu chứng đau bụng.
Ngoài ra, một bài báo năm 2019 nói rằng gừng có thể làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, có tác dụng giảm đầy hơi và chướng bụng.
Vấn đề chảy máu khi uống trà gừng
Gừng có thể khuyến khích chảy máu bên trong. Điều này là do nó ức chế Thromboxane tiểu cầu. Đây là chất mà tiểu cầu tạo ra khiến máu đông lại và làm co mạch máu.
Theo NCCIH, có những lo ngại rằng gừng có thể tương tác với các loại thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin.
Vì lý do này, mọi người nên tránh tiêu thụ gừng trước khi trải qua phẫu thuật. Những người bị rối loạn chảy máu cũng nên nói chuyện với bác sĩ trước khi tiêu thụ bất kỳ loại gừng nào.
Lợi ích của trà gừng
Bất chấp việc trà gừng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhưng nó cũng có một số lợi ích sức khỏe rất rõ ràng.
Gingerols và shogaols là những hợp chất hoạt động trong gừng, có thể giúp giảm buồn nôn và nôn.
Trong một đánh giá năm 2015, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chiết xuất gừng giúp giảm buồn nôn và nôn do mang thai, cũng như buồn nôn do hóa trị.
Một bài báo năm 2016 cũng gợi ý rằng uống trà gừng có thể là một cách rẻ tiền, hiệu quả và an toàn để giúp giảm buồn nôn và nôn ở những người đang mang thai hoặc đang trải qua hóa trị.
Trà gừng còn giúp giảm đau và có tác dụng chống viêm. Một nghiên cứu có sự tham gia của 60 người lớn bị chứng đau nửa đầu cấp tính, báo cáo sự thuyên giảm sau khi sử dụng 400 miligam chiết xuất gừng cùng với thuốc chống viêm không steroid.
Một đánh giá năm 2020 cho thấy gừng có thể làm giảm cơn đau bụng kinh cũng như cơn đau xảy ra do viêm xương khớp.
Ngoài ra, gừng còn giúp giảm đau cơ. Một nghiên cứu nhỏ với sự tham gia của 49 người cho thấy gừng làm giảm đau nhức cơ ở vận động viên.
Các nghiên cứu còn cho thấy trà gừng rất hữu ích với những người có nhu cầu giảm cân. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 gợi ý rằng gừng có thể hỗ trợ giảm cân bằng cách ngăn chặn quá trình tạo mỡ, đây là quá trình trao đổi chất góp phần tích trữ chất béo; ức chế hấp thu chất béo ở ruột; kiểm soát sự thèm ăn; kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng tiêu thụ 2 gam gừng mỗi ngày làm giảm lượng đường trong máu lúc đói và các chỉ số quan trọng khác của bệnh tiểu đường.
Trà gừng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và hạ huyết áp. Một số nghiên cứu gợi ý rằng ăn gừng hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mãn tính bằng cách: hạ huyết áp, ngăn ngừa cơn đau tim, giảm cholesterol.
Ai không nên uống trà gừng?
Theo medicalnewstoday.com, trà gừng an toàn để uống. Tuy nhiên, mọi người nên tránh tiêu thụ nhiều hơn 5 gam mỗi ngày.
Những người mắc bệnh sỏi mật nên thận trọng khi sử dụng gừng. Điều này là do thứ trà này có thể làm tăng lưu lượng mật.
Một nghiên cứu đã kiểm tra 1.020 người sử dụng gừng khi mang thai. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sử dụng gừng khi mang thai không làm tăng nguy cơ: thai chết lưu, cân nặng khi sinh thấp, sinh non.
Nhưng người mang thai vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng gừng bởi vì tác dụng phụ của nó có thể khác nhau ở mỗi người.
Những người bị bệnh gan như cấp tính, mãn tính, xơ gan, viêm gan tuyệt đối không nên ăn gừng. Gừng sẽ kích thích các hoạt động bài tiết của tế bào gan và lâu dần có thể gây hoại tử.
Với những người huyết áp thấp, nước gừng sẽ là thức uống tốt để cải thiện tình trạng hạ đường huyết. Tuy nhiên, những người huyết áp cao tuyệt đối không nên uống nước gừng trong bất cứ lý do gì, đặc biệt là lúc huyết áp tăng cao. Nước gừng có thể gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến.
Tương tự với người thân nhiệt cao, đặc biệt khi đang bị sốt, không nên sử dụng nước gừng luôn mà nên dùng nước gừng sau khi đã hạ sốt. Một lưu ý là khi bị sốt do cảm nắng, người bệnh tuyệt đối không được uống nước gừng bởi tính nhiệt của gừng khiến nhiệt độ của cơ thể tăng đột biến, có thể dẫn đến tử vong.