Lợi thế và thách thức của Ba Lan khi đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EU

Từ hôm nay (1/1), Ba Lan sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, thay cho Hungary. Là một quốc gia nằm ở giao giữa khu vực Tây Âu và Đông Âu, Ba Lan đang nắm trong tay những lợi và cả những thách thức không nhỏ trong thời gian 6 tháng đảm nhiệm cương vị mới.

Là quốc gia nằm ở khu vực nối giữa Đông Âu và Tây Âu, Ba Lan được coi là trung tâm của các nỗ lực thu hẹp khoảng cách về kinh tế và hạ tầng giữa các khu vực của Liên minh châu Âu. Bất chấp những biến động kinh tế thế giới, nền kinh tế Ba Lan vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thập niên qua.

Kinh nghiệm của nước này trong việc quản lý khả năng phục hồi kinh tế được xem là lợi thế có thể cung cấp thông tin cho các chiến lược phục hồi trên toàn Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, chính phủ và các nhà lãnh đạo Ba Lan cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Đây được xem là một trong những lợi thế giúp Ba Lan tự tin và tạo dựng cơ sở đồng thuận vững chắc để đề xuất và triển khai các sáng kiến của mình trong nhiệm kỳ 6 tháng tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw hồi giữa tháng 12, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tin tưởng rằng nước này có thể tạo được đột phá trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, với các ưu tiên trong chương trình nghị sự gồm các vấn đề an ninh, năng lượng và năng lực cạnh tranh của Liên minh châu Âu: "Tôi thực sự muốn Ba Lan là quốc gia không chỉ hiện diện mà còn có vai trò định hình những quyết định nhằm mang lại an ninh và đảm bảo lợi ích của cả Ba Lan và Liên minh châu Âu. Với vai trò là luân phiên của Liên minh châu Âu, ngay trong đầu nhiệm kỳ, Ba Lan sẽ có các cuộc tiếp xúc ngoại giao với cả Anh, Na uy và nhiều nước khác. Mục tiêu của toàn bộ các hành động này là một cách tiếp cận nghiêm túc đối với trách nhiệm chính trị của Ba Lan trong 6 tháng tới".

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Ảnh: Reuters

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Ba Lan cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trên cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, trong đó có sự chia rẽ trong nội bộ khối này. Với cuộc chiến đang diễn ra ở quốc gia láng giềng Ucraina, an ninh và quốc phòng được cho sẽ là nền tảng trong chương trình nghị sự trong thời gian giữ cương vị chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Là một trong những nước đi đầu ủng hộ Ucraina, trên cương vị lãnh đạo mới, Ba Lan được cho sẽ củng cố và tăng cường những nỗ lực này nhằm thu hút thêm nhiều sự góp sức từ các quốc gia thành viên, không chỉ trong lĩnh vực viện trợ quân sự mà có thể mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế, nhân đạo, tái thiết.

Điều này đã được Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh sau cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola về những điểm chính của nhiệm kỳ chủ tịch của nước này: "Tôi rất vui vì hầu như mọi người đều có quan điểm, tiếng nói khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều đánh giá cao tầm quan trọng của các ưu tiên mà châu Âu đang phải đối mặt. Các ưu tiên của chúng tôi khi đảm nhận nước chủ tịch Ba Lan sẽ bao gồm nhiều khía cạnh cả về an ninh, năng lượng nhằm giúp Liên minh châu Âu giành lại toàn bộ khả năng cạnh tranh".

Trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa nước Mỹ cũng sẽ có sự thay đổi chính quyền mới khi ông Donald Trump - người có tư tưởng khó đoán định sẽ chính thức đảm nhận cương vị Tổng thống mới ở Mỹ, với vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu, nhiệm vụ của Ba Lan sẽ vô cùng nặng nề, trong đó có viêc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ giữa Mỹ và châu Âu.

Hồng Nhung/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/loi-the-va-thach-thuc-cua-ba-lan-khi-dam-nhan-vi-tri-chu-tich-luan-phien-eu-post1146030.vov
Zalo