Lợi thế để các địa phương phát triển nhanh và bền vững

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, chiều 31.5, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam thuộc Tổ 18 đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022...

Cần thiết phải xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đưa ra 19 chính sách thuộc 4 nhóm lĩnh vực. Trong đó, nhóm quản lý tài chính - ngân sách có 5 chính sách; nhóm quản lý đầu tư có 7 chính sách; nhóm quản lý đô thị, tài nguyên rừng có 2 chính sách; nhóm tổ chức bộ máy và biên chế có 5 chính sách.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 18

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 18

Theo tờ trình dự thảo, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng đến nay, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách.

Trong khi đó, theo quy hoạch vùng miền Trung, Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bởi vậy, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra là cần thiết.

ĐHQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu

ĐHQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu

ĐHQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) nhất trí về việc cần có các cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát các chính sách trong dự thảo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó tập trung vào những chỉ tiêu còn hạn chế, tác động của những chỉ tiêu đó khi thực hiện cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rà soát, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, khả thi; bảo đảm chính sách khi được ban hành có thể đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể về việc phân cấp, phân quyền khi thực hiện các cơ chế đặc thù trong nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, bảo đảm thực hiện không có vướng mắc về thẩm quyền trước và sau khi thực hiện cơ chế đặc thù.

ĐBQH Trần Văn Thức (Thanh Hóa) phát biểu

ĐBQH Trần Văn Thức (Thanh Hóa) phát biểu

ĐBQH Trần Văn Thức (Thanh Hóa) cũng cho rằng, các chính sách này sẽ giúp Nghệ An tháo gỡ các khó khăn về thu hút đầu tư cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Đối với việc thực hiện chính sách phân cấp quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, đại biểu cho rằng việc này sẽ tạo sự chủ động, gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh, nên “xin” các đặc thù về cơ chế chứ không nên tăng thêm bộ máy.

Phân tích cụ thể hơn về một số nội dung trong dự thảo nghị quyết, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng cần quy định rõ việc điều tiết về ngân sách cho tỉnh là bao nhiêu? Những vấn đề nào có thể quy định cụ thể thì cần quy định rõ, không nên để chờ hướng dẫn.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu

Đối với việc phân cấp cấp phép đầu tư cảng biển, đây là điều cần thiết và khi đã phân cấp thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Liên quan việc chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, đại biểu băn khoăn có nên giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện hay nên giao cho các bộ, ngành hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách cụ thể, các địa phương tổ chức thực hiện?

ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu

ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu

Về việc tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) tán thành với quy định trong dự thảo, đồng thời kiến nghị nếu thí điểm thành công, Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội mở rộng với một số tỉnh khác.

Làm rõ nội hàm của khu thương mại tự do

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể. Theo đó, có 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị làm rõ nội hàm của khu thương mại tự do. Các chính sách cũng cần nghiên cứu thêm, ví dụ như chính sách về thuế trong các khu thương mại này, hoặc chính sách về tín dụng. Ngoài ra, cần đánh giá tác động về mọi mặt của các khu thương mại tự do như thế nào.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng băn khoăn về việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do. Theo đại biểu, đây là vấn đề mới nên phải có nghiên cứu tiền khả thi và khả thi chi tiết. Đặc biệt cần có đánh giá tác động cả về điểm mạnh và điểm yếu khi thành lập các khu thương mại tự do. "Phát sinh cơ chế quản lý mới hết sức đặc thù nên cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước" - đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.

Về thu hồi đất khi thực hiện các dự án logistics, đại biểu đề nghị nghị quyết cần công khai, minh bạch trong thu hồi. Các chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư cũng cần công khai, minh bạch, rõ ràng.

Còn theo ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam), trong dự thảo nghị quyết quy định, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung có liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cho chính quyền địa phương nên cần rà soát cụ thể để tránh trường hợp khi thực hiện lại bị vướng bởi các quy định trong các văn bản luật về thẩm quyền hoặc phải thành lập thêm các cơ quan chuyên môn…

Tin và ảnh: Khánh Ninh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/loi-the-de-cac-dia-phuong-phat-trien-nhanh-va-ben-vung--i373589/
Zalo