Lợi thế cạnh tranh mới của các doanh nghiệp tiên phong

Cuộc đua cạnh tranh lương thưởng đã nhường chỗ cho nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc mang lại 'hạnh phúc' cho nhân viên bởi nơi đó mới chính là điểm đến của nhân tài.

Tôi vẫn còn nhớ như in cuộc trò chuyện cùng người anh đang là CEO của một doanh nghiệp khá lớn vào 10 năm về trước. Khi tôi hỏi anh quan điểm thế nào về “hạnh phúc” đối với nhân viên, anh khá thẳng thắn chia sẻ rằng, nhân viên được trả lương cao và thăng tiến nhanh thì họ sẽ hạnh phúc. Dù không hoàn toàn đồng ý, lúc đó tôi cũng không thể phủ nhận quan điểm này.

Quả thật, lương và chức vụ cao nghe cũng thích, nhưng chỉ là “liều dopamin” giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc trong ngắn hạn, còn trong dài hạn thì tôi nghĩ người đi làm cần nhiều hơn thế.

Suốt 10 năm qua, thị trường liên tục thay đổi và dịch chuyển, chất lượng cuộc sống của người đi làm cũng dần được cải thiện và có nhiều sự đòi hỏi hơn trước.

Vì thế khái niệm “hạnh phúc” của họ từ đó cũng mang tính toàn diện hơn, bên cạnh ưu tiên hàng đầu vẫn là thu nhập, họ quan tâm hơn các yếu tố khác như sự cân bằng giữa công việc cuộc sống, môi trường làm việc tích cực gắn kết, ghi nhận và phát triển, an tâm sự nghiệp…

Trong cuộc chiến thu hút và giữ chân nhân tài của doanh nghiệp ngày nay, không chỉ còn là cuộc đua cạnh tranh lương thưởng nữa, nơi nào mang lại “hạnh phúc” cho nhân viên, nơi đó mới chính là điểm đến của nhân tài.

Những câu hỏi “triệu đô” đặt ra cho doanh nghiệp lúc này không thể chỉ là làm sao tăng quỹ lương, tăng quỹ thưởng, mà chính là: làm sao để đo lường được chỉ số hạnh phúc, làm sao biết nhân viên của mình có đang thật sự hạnh phúc không, nhân viên đang mong muốn điều gì từ doanh nghiệp để cảm thấy hạnh phúc hơn, đâu là những thực hành hay để cộng đồng doanh nghiệp cùng tham khảo, cùng xây dựng một nơi làm việc thật sự hạnh phúc.

Những yếu tố này mới chính là chìa khóa tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp tiên phong trên thị trường lao động đầy biến động.

Saint-Gobain là doanh nghiệp được chứng nhận có nguồn nhân lực hạnh phúc.

Saint-Gobain là doanh nghiệp được chứng nhận có nguồn nhân lực hạnh phúc.

Hạnh phúc - không chỉ là câu chuyện về lương thưởng

“Hạnh phúc” là một khái niệm gắn liền với gia đình và cá nhân. Dưới góc độ nguồn nhân lực tại doanh nghiệp, Anphabe cho rằng, người đi làm chỉ thực sự hạnh phúc khi họ gắn kết cả lý trí và tình cảm với công việc và công ty, có động lực để đóng góp những nỗ lực cho thành công của công ty cũng như cam kết gắn bó lâu dài.

Kết quả khảo sát "Xu hướng người đi làm" và khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" từ 2018 - 2023 của Anphabe cho thấy, khi người đi làm cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc, họ sẽ cống hiến và làm nhiều hơn mức bình thường gấp 1,7 lần để giúp doanh nghiệp thành công; tinh thần không nản lòng trước thất bại của họ tăng 1,8 lần; mức độ thường xuyên đóng góp sáng kiến và ý tưởng của họ tăng 2,3 lần; và mức độ mong muốn chọn làm việc ở công ty hiện tại của họ gấp 2,5 lần thay vì nơi khác trả lương cao hơn.

Và trong một báo cáo của Gallup về sự gắn kết nhân viên năm 2022 cho thấy rằng, khi người đi làm cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ có thái độ tích cực hơn, chất lượng công việc tốt hơn, từ đó mang lại giá trị thiết thực hơn cho doanh nghiệp: mức độ hài lòng của khách hàng tăng 10%, doanh thu tăng 18%, và lợi nhuận tăng 21%.

Khung tiêu chí nơi làm việc lý tưởng. Nguồn: Anphabe

Khung tiêu chí nơi làm việc lý tưởng. Nguồn: Anphabe

Thực tế qua nhiều cuộc khảo sát với người đi làm hàng năm, Anphabe nhận ra họ quan tâm và cân nhắc nhiều hơn một yếu tố để quyết định gắn bó lâu dài với một doanh nghiệp, trong đó có sáu nhóm yếu tố phổ biến về một nơi làm việc lý tưởng với người đi làm bao gồm: tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa và môi trường, lãnh đạo và quản lý, chất lượng công việc và cuộc sống, danh tiếng công ty.

Trong 10 năm gần đây, các doanh nghiệp không ngừng thay đổi và dịch chuyển để phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường, vì thế mối quan tâm của người đi làm về các tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng cũng có sự dịch chuyển nhất định.

Nổi bật trong đó có hai yếu tố được người đi làm quan tâm nhiều hơn với mức độ quan tâm ngày càng gia tăng, chính là “chất lượng công việc và cuộc sống” và “văn hóa và môi trường”.

Yếu tố “tưởng thưởng” dù vẫn được người đi làm cân nhắc hàng đầu nhưng đã có sự quan tâm ít hơn trước đây. Điều đó cho thấy, để xây dựng một môi trường làm việc hạnh phúc hơn cho nhân viên, bên cạnh yếu tố tưởng thưởng thì doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào hai yếu tố chất lượng công việc và cuộc sống, và văn hóa và môi trường cho người đi làm.

Câu chuyện tiên phong

Sau hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và đánh giá cho hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu tại thị trường Việt Nam, Anphabe bắt đầu tìm ra những yếu tố cơ bản về chỉ số hạnh phúc của người đi làm, tiên phong xây dựng mô hình đánh giá và phương pháp đo lường chỉ số hạnh phúc.

Chương trình Chứng nhận Nguồn nhân lực hạnh phúcTM của Anphabe áp dụng mô hình này để ghi nhận và vinh danh những doanh nghiệp không chỉ có chỉ số hạnh phúc nhân viên vượt trội mà còn sở hữu những chiến lược thực hành nhân sự đột phá trong việc xây dựng đội ngũ gắn kết - động lực - nỗ lực và trung thành.

Chúng tôi đánh giá dựa trên khảo sát về môi trường làm việc hạnh phúc với việc đo lường các chỉ số hạnh phúc của nhân viên nội bộ, đồng thời ghi nhận đánh giá khách quan của họ về 15 yếu tố môi trường làm việc quan trọng có tác động tới các chỉ số hạnh phúc.

Các yếu tố này bao gồm: thu nhập, phúc lợi, kế hoạch nghề nghiệp, học hỏi và phát triển, tính chất công việc, tự chủ và trao quyền, quản trị thành tích, văn hóa và giá trị, kết nối con người, định hướng và nhất quán, lãnh đạo cấp cao, quản lý trực tiếp, cân bằng công việc và cuộc sống, điều kiện làm việc, thương hiệu nhà tuyển dụng.

Chúng tôi cũng tiến hành khảo sát chiến lược và thực hành hạnh phúc với đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, ghi nhận chia sẻ về các chiến lược và thực hành hay, giúp thúc đẩy mức hạnh phúc của người đi làm.

Qua hai hoạt động, Anphabe thu thập và phân tích được các cơ hội và ưu tiên cải thiện của doanh nghiệp đối với từng nhóm nhân viên cụ thể, để doanh nghiệp không chỉ nhìn nhận một cách khách quan nhất về mức độ “hạnh phúc” của nhân viên, mà còn có những bước đi chiến lược hiệu quả để nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc của nhân viên, cải thiện môi trường làm việc.

Khảo sát "Chứng nhận nguồn nhân lực hạnh phúc 2024" của Anphabe cho thấy cho thấy các dấu hiệu tích cực so với năm ngoái. Cụ thể, 81% nhân sự tại các doanh nghiệp được chứng nhận có mức gắn kết cao, 84% nhân viên có niềm tin vào tầm nhìn và chiến lược của công ty, và 85% nhân viên cảm thấy có động lực tự thân để giúp công ty thành công hơn. Các chỉ số này cao hơn chỉ số trung bình của người đi làm tại Việt Nam được Anphabe khảo sát vào năm 2023 lần lượt chỉ là 75% - 78% - 79%.

Nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp phồn vinh.

Nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp phồn vinh.

Saint-Gobain Việt Nam là một thực hành điển hình rất chú trọng vào các hoạt động tăng gắn kết, niềm tin và động lực. Nhân viên và lãnh đạo Saint-Gobain Việt Nam áp dụng các phương pháp trao đổi công khai, hiệu quả và kịp thời như: Feedback Hub là nơi thu nhận phản hồi hàng ngày của nhân viên qua QR code với cam kết xử lý trong ba ngày; Town Hall Meeting tổ chức hàng quý là nơi CEO và giám đốc lắng nghe và phản hồi trực tiếp từ nhân viên; và kênh ZaloOA nội bộ là nơi tiếp nhận và giải đáp thắc mắc hàng ngày của nhân viên.

Các phương pháp này đảm bảo tính minh bạch trong giao tiếp, tăng gắn kết, củng cố niềm tin, sự hài lòng của nhân viên, góp phần vào sự phát triển bền vững của Saint-Gobain Việt Nam.

Bên cạnh đó, khảo sát của chúng tôi còn cho thấy, nhân viên ở các doanh nghiệp được chứng nhận ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, và đạt hiệu suất làm việc tốt hơn.

Cụ thể, ở các doanh nghiệp được chứng nhận này, chỉ có 17% nhân viên gặp vấn đề về thể chất, 22% nhân viên gặp vấn đề về tinh thần và 14% nhân viên gặp vấn đề về Hiệu suất làm việc, các chỉ số này thấp hơn khá nhiều so với chỉ số trung bình của người đi làm được Anphabe khảo sát vào năm 2023 lần lượt là 33% - 35% - 28%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là một ví dụ điển hình về hoạt động chăm lo phúc lợi đa dạng toàn diện cho cả nhân viên và gia đình. MB cung cấp các chương trình đãi ngộ, tri ân cán bộ nhân viên có thâm niên gắn bó lâu năm, hỗ trợ kinh phí thể thao, trông trẻ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ…

MB cũng tiên phong triển khai hình thức đãi ngộ hưu trí bổ sung tự nguyện An Thịnh cho cán bộ nhân viên giúp gia tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống an nhàn, sung túc trong giai đoạn hưu trí.

Ngân hàng MB chăm lo phúc lợi đa dạng toàn diện cho cả nhân viên và gia đình. Ảnh: MB Bank

Ngân hàng MB chăm lo phúc lợi đa dạng toàn diện cho cả nhân viên và gia đình. Ảnh: MB Bank

Bên cạnh đó, trung bình có đến 86% nhân viên ở các doanh nghiệp được chứng nhận cảm thấy tự hào khi là thành viên của công ty và 81% sẵn lòng giới thiệu cơ hội làm việc đến bạn bè.

Đáng chú ý, thời gian dự định gắn bó trung bình của nhân viên ở các doanh nghiệp được chứng nhận là 5 năm, trong khi con số trung bình thị trường Việt Nam do Anphabe khảo sát Q3/2023 chỉ là 3 năm.

“Nơi làm việc hạnh phúc” tưởng như không thể đo lường được, nhưng thật ra là tổng hợp của rất nhiều yếu tố có thể đo lường được từ các tiêu chí nơi làm việc lý tưởng mà người đi làm quan tâm. Các doanh nghiệp chú trọng đến sự hài lòng của nhân viên, sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trong hiệu suất làm việc, sự gắn kết, lòng trung thành, và niềm tin vào doanh nghiệp của đội ngũ.

Đo lường mức độ hạnh phúc tại nơi làm việc và cải thiện các chỉ số hạnh phúc của nhân viên, không chỉ mang lại môi trường làm việc tích cực mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cực kỳ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp tiên phong trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài, là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững hiện nay.

Doanh nhân Thanh Nguyễn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/loi-the-canh-tranh-moi-cua-cac-doanh-nghiep-tien-phong-d37526.html
Zalo