Lời sám hối muộn màng
Khó khăn, bế tắc đã khiến những người hiền lành, chất phát mất phương hướng và để rồi đứng trước tòa với lời hối lỗi muộn màng
Một buổi sáng tháng 8-2024, tại phòng xét xử của TAND TP HCM, không khí ảm đạm phủ lên những khuôn mặt căng thẳng. Tất cả đều hướng ánh mắt về phía trước, nơi mà số phận của hai con người đang chờ đợi phán quyết của pháp luật.
Đánh đổi
Đứng trước tòa là bị cáo Nguyễn Văn Hênh (SN 1996) và Lại Chí Thành (SN 1995). Hai người đàn ông trẻ tuổi cúi gằm mặt, cố gắng tránh né ánh nhìn của những người xung quanh. Có lẽ, họ đã nhận ra sai lầm, họ không chỉ hủy hoại tương lai của mình mà còn làm tổn thương những người thân bên cạnh.
Hênh từng là một thanh niên với nhiều hoài bão. Gần chục năm trước, Hênh được tuyển vào công ty vận chuyển hàng hóa có tên N.T làm việc. Với sự cần mẫn và tận tâm, anh nhanh chóng được thăng chức lên làm trưởng nhóm vận hành bưu cục tại chi nhánh huyện Bình Chánh (TP HCM). Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài hiền lành ấy là những gánh nặng nợ nần khiến anh không thở nổi. Thành, người bạn đồng nghiệp của Hênh, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Áp lực cuộc sống ngày càng lớn khiến cả hai dần đánh mất phương hướng và tìm đến con đường dễ dàng hơn đó là tham ô.
Trong những lần gặp gỡ sau giờ làm, cả hai thường chia sẻ với nhau về những khó khăn, bế tắc của mình. Họ mong muốn tìm một lối thoát nhanh chóng rồi dần dần ý tưởng phạm tội nhen nhóm. Lợi dụng vị trí công tác, Hênh và Thành đã nghĩ ra một kế hoạch tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty. Họ sử dụng ứng dụng quản lý đơn hàng trên điện thoại, sau đó khéo léo "biến hóa" các đơn hàng chưa giao thành đã giao. Chỉ với vài thao tác đơn giản, những chiếc điện thoại di động, máy tính bảng đắt tiền "biến mất" một cách kỳ lạ khỏi kho hàng của công ty. Tuy nhiên, hành động này không thể kéo dài mãi.
Khi sự thật bị phanh phui, Hênh và Thành không chỉ mất đi công việc mà còn phải đối diện với sự coi thường của những người xung quanh. Cả hai đã chiếm đoạt 23 đơn hàng vận chuyển 160 điện thoại di động và 1 máy tính bảng với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, đổi lại, họ đã phải trả giá bằng sự nghiệp, danh dự và cả tương lai của mình.
18 và 19 năm tù giam về tội "Tham ô tài sản" là bản án mà lần lượt Hênh và Thành phải trả giá cho những sai lầm. Trong phòng xử án, những giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt của những người cha, người mẹ đang ngồi lặng lẽ phía sau. Họ không thể ngờ rằng đứa con mà mình từng đặt bao kỳ vọng giờ đây phải đối diện với bản án nặng nề. Lời biện hộ, lời hối lỗi đều đã quá muộn màng. Những bậc cha mẹ chỉ có thể ngồi đó, đau đớn nhìn con mình trả giá cho những sai lầm không thể sửa chữa. Án tù dài dằng dặc trở thành vết thương tinh thần sâu sắc cho cả gia đình.
Tia sáng nhân văn
Trong một phiên xét xử khác, TAND TP HCM đã tuyên phạt 10 năm tù về tội "Trộm cắp tài sản" đối với Nguyễn Thị Mộng Ly (SN 1986). Câu chuyện của Ly khác hẳn với Hênh và Thành vì cô không có chức vụ, không có quyền lực mà chỉ là người giúp việc cho một gia đình kinh doanh vàng tại quận 5, TP HCM. Tuy nhiên, sự cám dỗ và lòng tham bất chợt đã biến người phụ nữ này thành tội phạm.
Khoảnh khắc ngồi lặng lẽ trong lúc chờ HĐXX nghị án, bị cáo không giấu được nỗi sợ hãi về những gì đang xảy ra. Cô cúi đầu, ánh mắt đờ đẫn nhìn xuống sàn nhà. Bộ đồ bộ đơn giản mà cô mặc càng làm nổi bật sự lạc lõng của bị cáo giữa không gian uy nghiêm. Ai có thể ngờ rằng người phụ nữ từng được biết đến với sự chất phác, hiền lành này lại trở thành tâm điểm của một vụ án trộm cắp nghiêm trọng?
Qua diễn biến tại phiên xét xử, các tình tiết trong vụ án dần được sáng tỏ. Khuya 29-4-2023, khi cả khu phố chìm vào giấc ngủ và ánh đèn trong tiệm vàng đã tắt, Ly xuống tầng 2 của căn nhà để đi vệ sinh. Trong không gian mờ ảo này, lòng tham đã thôi thúc Ly vượt qua giới hạn của đạo đức. Những túi ni-lông chứa đầy tiền và vàng bạc bày trước mắt như những ngọn lửa thiêu đốt lý trí của cô gái quê.
Bấy giờ, ánh đèn flash lóe lên, Ly sực nhớ khu vực này có camera an ninh. Ly cẩn thận đi lên tầng 5 lấy áo đồng phục nhân viên đang phơi rồi dùng túi ni-lông đội lên đầu và thay áo để ngụy trang. Sau đó, Ly mở cửa kính phòng sát cầu thang lầu 2, đi lùi quay lưng về hướng camera để tránh bị nhận diện. Với đôi tay run rẩy, Ly thực hiện vụ trộm một cách thận trọng như một con chuột nhắt lén lút tìm kiếm thức ăn trong bóng tối. Ly lấy ba túi ni-lông chứa tiền và trang sức giấu ở nơi nghỉ trưa của mình. Chiều hôm sau, cô lấy số tài sản trộm được giấu vào túi đồ rồi bắt xe về quê nhà tại tỉnh Bến Tre.
Ly đếm số tiền trộm được là 134,6 triệu đồng rồi lấy 28,4 triệu đồng sử dụng, còn ba bọc ni-lông chứa số vàng trị giá hơn 1 tỉ đồng được Ly giấu sau gian bàn thờ trong nhà mình. Số tài sản này không chỉ là bằng chứng cho hành vi phạm tội mà còn là minh chứng cho sự sa ngã của một người phụ nữ bình thường, từng được chủ tiệm vàng tin tưởng tuyệt đối. Những đồng tiền, lượng vàng mà Ly từng nghĩ sẽ mang lại sự giàu có giờ đây trở thành gánh nặng đè lên lương tâm.
Tuy nhiên, trong bóng tối của tội lỗi, tia sáng của hy vọng đã lóe lên cho kẻ biết hối cải và mong muốn sửa sai. HĐXX nhận định rằng Ly đã thành thật khai báo, thể hiện sự ăn năn hối lỗi của mình và quyết định giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Đặc biệt, về phía chủ tiệm vàng, người trực tiếp chịu thiệt hại, đã tha thứ cho Ly. Ông này không yêu cầu bồi thường số tiền Ly đã tiêu xài cá nhân và mong cô có cơ hội làm lại cuộc đời.
Trong khoảnh khắc ấy, không chỉ là một sự khoan hồng của luật pháp mà còn là lòng nhân ái giữa con người với con người. Nhưng dù có lòng khoan dung, bản án 10 năm tù vẫn là lời nhắc nhở về hậu quả không thể tránh khỏi của hành vi trộm cắp. Ly đã khóc, nước mắt hòa cùng lời xin lỗi muộn màng. Bị cáo hứa rằng sau khi mãn hạn tù, sẽ sống cuộc đời lương thiện, không phụ lòng người đã tha thứ cho mình.