Lợi nhuận sau thuế âm, Danameco làm gì để thoát lỗ?
Vì nhiều lý do, lợi nhuận Tổng Công ty Cổ phần Y tế Danameco, mã cổ phiếu DNM, có mức âm lớn. Thậm chí, cổ phiếu này có khả năng bị hủy niêm yết.
Mới đây, ông Võ Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Y tế Danameco, đã có báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 2022 và kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023.
Theo đó, Tổng Công ty Cổ phần Y tế Danameco đưa ra chỉ tiêu kế hoạch doanh thu năm 2023 là 350 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 17,5 tỷ đồng. Nếu đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra doanh nghiệp sẽ thông qua dùng toàn bộ lợi nhuận 2023 bù lỗ.
Để có được điều này, doanh nghiệp đặt ra phương hướng kiểm soát chặt chẽ các khoản phí, đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Kiểm tra công tác kiểm kê, việc ghi chép sổ sách, hạch toán chi phí, lưu trữ chứng từ của các đơn vị thuộc Tổng công ty. Đặc biệt, giải quyết dứt điểm hàng tồn kho hết hạn, chậm luân chuyển từ các năm trước.
Theo báo cáo, tổng doanh thu Danameco 2022 đạt 321,28 tỷ đồng, hoàn thành 64% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, giảm 42% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế âm 100,4 tỷ đồng, giảm 132,4 tỷ đồng so với 2021, tương đương giảm 503%.
Trong khi đó, theo cáo cáo tài chính, kết thúc quý 1/2023, Danameco ghi nhận doanh thu đạt 50,2 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ (145 tỷ) và lợi nhuận sau thuế âm 23,7 tỷ đồng, trong khi chỉ số này trong cùng kỳ là 15,2 tỷ đồng.
Tính đến 31/3, nợ phải trả của Danameco là 347 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ngắn hạn là 246 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ 98,6 tỷ hồi đầu năm xuống còn 74 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 47,3 tỷ đồng trên vốn góp của chủ sở hữu là 52,5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp giải thích nguyên nhân tình hình tài chính năm qua không khả quan do doanh thu năm 2021 có sự đóng góp từ các mặt hàng phòng chống dịch, tuy nhiên do tình hình dịch được kiểm soát nên nhu cầu ở dòng hàng này bị sụt giảm trong năm 2022. Tổng doanh số giảm 42%.
Giá vốn hàng bán của các mặt hàng phục vụ chống dịch cao do tồn kho từ 2021, để giải quyết hàng tồn bắt buộc phải hạ giá bán. Đây là nguyên nhân dẫn đến lỗ.
Việc phát triển tại thị trường xuất khẩu vẫn chưa mang lại lợi nhuận. Nguyên nhân đến từ chi phí sản xuất cao, nhu cầu và sức mua của thị trường chấp nhận với giá bán thấp hơn khả năng sản xuất.
Để khắc phục điều này, doanh nghiệp thay đổi phương án kinh doanh quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tạm dừng hoạt động đầu tư… để ứng phó điều kiện khó khăn hiện tại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiến hành cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết về cắt giảm, tiết kiệm thêm; quản lý chặt chẽ các nội dung chi phí và việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm cắt giảm ngân sách.
Liên quan cổ phiếu DNM, 9/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hà Nội (HNX) đã có thông báo về cổ phiếu này có khả năng bị hủy niêm yết theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2022/NĐ-CP vì Công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Trước đó, HNX chuyển cổ phiếu DNM sang diện bị hạn chế giao dịch do công ty này chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Do vậy cổ phiếu của DNM bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần.
HNX cho biết quy định này đã được quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 39 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.