Lợi nhuận giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp gấp rút xin đổi kế hoạch năm

Thời điểm cuối năm cận kề, trước nguy cơ không hoàn thành kế hoạch năm, nhiều doanh nghiệp chọn cách xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2024 trong giai đoạn nước rút.

Điều chỉnh kế hoạch sát cuối năm

CTCP Cảng Thị Nại (TNP) giữa tháng 11/2024 thống nhất điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cả năm 2024. Các chỉ tiêu kế hoạch sau điều chỉnh đều giảm mạnh so với kế hoạch đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 4/2024.

Theo đó, sau điều chỉnh, kế hoạch sản lượng hàng thông qua cảng giảm từ 1.900.000 tấn ban đầu xuống còn 1.300.000 tấn, tương đương giảm 31,5%. Kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế điều chỉnh giảm lần lượt 20% và 41,67%. Sau khi điều chỉnh, mục tiêu của TNP còn 68 tỷ đồng tổng doanh thu và 14 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Thông tin cuộc họp HĐQT TNP cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Giá xăng dầu, nguyên vật liệu, giá cước vận tải và giá vàng thế giới biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu. Căng thẳng địa chính trị dai dẳng, có thể leo thang lên mức nguy hiểm, vấn đề biển Đỏ, mức nợ cao và tính bấp bênh của các nền kinh tế tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu.

Trước những khó khăn trên, trong 9 tháng 2024, lượng hàng hóa thông qua Cảng Thị Nại sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Cảng dự định tiến hành nạo vét trong quý IV/2024 khiến lượng hàng hóa cũng sẽ giảm trong các tháng cuối năm, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và hiệu quả kinh doanh trong năm.

Ngoài ra, việc UBND tỉnh Bình Định chủ trương chấm dứt hoạt động dự án Khu trung tâm dịch vụ kho bãi Cảng Thị Nại và khu chế biến thủy sản tại Quốc lộ 19 (mới), xã Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định sẽ khiến toàn bộ chi phí Cảng Thị Nại bỏ ra từ năm 2017 đến nay (hơn 3,57 tỷ đồng) sẽ hạch toán vào chi phí trong năm 2025, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận năm.

Những yếu tố trên là nguyên nhân khiến HĐQT thống nhất điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Hơn 80,9% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông có quyền biểu quyết CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (SKH) cũng vừa tán thành việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của công ty.

Theo đó, chỉ tiêu doanh thu thuần điều chỉnh giảm từ 1.680 tỷ đồng xuống 1.170 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm từ 96 tỷ đồng xuống 70 tỷ đồng, mức giảm lần lượt là 30% và 27%. Ban lãnh đạo SKH cho biết, việc giảm chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận năm nhằm giảm áp lực tồn kho cho hệ thống phân phối, thực hiện các chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm tăng doanh thu và thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hình ảnh nhận diện thương hiệu tại điểm bán trong mùa Tết Nguyên đán sắp đến và thể hiện trách nhiệm với cổ đông.

Trên thực tế, kết quả kinh doanh trong 9 tháng 2024 của SKH đã sụt giảm mạnh. Doanh thu thuần đạt 864 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế chỉ còn 54,9 tỷ đồng, giảm 43%. Nếu so với kế hoạch trước điều chỉnh, SKH chỉ thực hiện được 57% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng, để lại áp lực rất lớn cho quý IV/2024 với khả năng cao không hoàn thành kế hoạch mà ĐHĐCĐ giao phó. Sau khi điều chỉnh, áp lực này đã giảm đáng kể khi tỷ lệ đạt kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng đã nâng lên 78%.

Cùng là công ty trong hệ thống Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa với SKH, CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (SKV) cũng thay đổi mục tiêu doanh thu lợi nhuận năm 2024.

SKV đã thực hiện điều chỉnh giảm 11% kế hoạch doanh thu và giảm 21% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Sau điều chỉnh, kế hoạch năm của SKV và 1.510 tỷ đồng doanh thu và 75 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Không chỉ thế, kế hoạch trả cổ tức 2024 bằng tiền cũng giảm từ 22,4% xuống 17,7%.

Khác với lý do chung chung của SKH, SKV cho biết năm 2024, hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng ngày càng giảm, đồng thời ảnh hưởng của bão Yagi cũng khiến công tác kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu Yến sào Khánh Hòa, Sanest, Savinest diễn ra công khai, tràn lan và ngày càng phức tạp, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của công ty, doanh thu lợi nhuận giảm sút rõ rệt. Trên cơ sở kết quả 9 tháng và dự báo 3 tháng cuối năm, SKV mới xin điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh cả năm.

Báo cáo tài chính của SKV cho thấy, trong 9 tháng 2024, công ty đạt 1.156 tỷ đồng doanh thu thuần và 60,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 23% và 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không điều chỉnh kế hoạch, SKV mới chỉ thực hiện được 63% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một số doanh nghiệp xin điều chỉnh kế hoạch vào giai đoạn gần sát cuối năm.

Một số doanh nghiệp xin điều chỉnh kế hoạch vào giai đoạn gần sát cuối năm.

Là một doanh nghiệp ngành bảo hiểm - ngành chịu ảnh hưởng lớn từ những hậu quả do siêu bão Yagi gây ra, Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) cũng dự kiến điều chỉnh kế hoạch năm.

Đầu tháng 11 vừa qua, HĐQT BMI thống nhất về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của BMI tối thiểu là 268 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 29% so với mục tiêu 377 tỷ đồng đề ra trước đó. Đồng thời, ROE và tỷ lệ chia cổ tức từ 10% đều điều chỉnh giảm xuống 7%. Các chỉ tiêu này sẽ được BMI trình lên cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sẽ diễn ra vào ngày 27/12/2024 tới. Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu được thông qua, kế hoạch cả năm của BMI sẽ được điều chỉnh chính thức vào những ngày cuối cùng của năm 2024.

Quý III/2024 vừa qua, BMI ghi nhận quý kinh doanh sụt giảm mạnh về lợi nhuận (-59%). Lũy kế 9 tháng, BMI đạt 218 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm trung bình vẫn tương đối cao

Năm 2024 được đánh giá là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Dù vậy, bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn cần điều chỉnh kế hoạch năm, số liệu hiện vẫn cho thấy trạng thái ổn định chung trên thị trường.

Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2024 ở nhóm phi tài chính đạt 84%, cao hơn tài chính (73%). Biểu đồ: FiinGroup

Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2024 ở nhóm phi tài chính đạt 84%, cao hơn tài chính (73%). Biểu đồ: FiinGroup

Một báo cáo tổng kết của FiinGroup cho biết, trên phạm vi toàn thị trường, trong 9 tháng 2024, các doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần 21% so với cùng kỳ, cao hơn kế hoạch năm 2024 (tăng 17,9%), và đã hoàn thành 83% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Đây là tỷ lệ hoàn thành tương đối cao, nhờ đóng góp chủ yếu từ nhóm phi tài chính (bán lẻ, hàng và dịch vụ công nghiệp, hóa chất, hàng cá nhân và gia dụng, tài nguyên cơ bản).

Ngược lại, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch khá thấp ở ngân hàng và bất động sản - hai ngành chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế và vốn hóa của toàn thị trường.

Một số ngành khác như tài nguyên cơ bản (chủ yếu là thép), viễn thông, công nghệ thông tin có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2024 vượt xa kế hoạch cả năm 2024. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cả năm đạt 76%-79% trong 9 tháng 2024 cho thấy các ngành này vẫn đang bám sát kế hoạch và chưa thực sự tạo ra bất ngờ nào về lợi nhuận so với kế hoạch được ban lãnh đạo trình đại hội đồng cổ đông thường niên hồi đầu năm nay, FiinGroup đánh giá.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-nhuan-giam-manh-nhieu-doanh-nghiep-gap-rut-xin-doi-ke-hoach-nam-d230774.html
Zalo