Lợi nhuận của một số ngân hàng bị ảnh hưởng do bão số 3
Nếu gói tài chính quy mô 405.000 tỉ đồng được sử dụng để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 một cách thực chất, đồng nghĩa các nhà băng sẽ phải cắt giảm tới 6.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.
Theo con số mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, có 35/40 ngân hàng dành gói tín dụng để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Hiện quy mô của gói tài chính này đã đạt 405.000 tỉ đồng được dùng để cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất giảm từ 0,5-2%/năm.
Chủ động đưa ra các chính sách hỗ trợ
Công ty chứng khoán Phú Hưng ước tính, nếu những gói tín dụng này được áp dụng triệt để, thì ngành ngân hàng đã chủ động giảm khoảng 6.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương mức giảm khoảng 2% lợi nhuận trước thuế năm 2024 và ảnh hưởng chủ yếu đến nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank).
Dù các ngân hàng thương mại đã chủ động đưa ra các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên quy mô của các gói tài chính đều nhỏ hơn so với con số thiệt hại chính thức.
Đánh giá về thiệt hại của bão số 3, Công ty chứng khoán Phú Hưng cho rằng: “Khi các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do bão, kéo theo chất lượng tài sản của ngân hàng - vốn đã suy giảm nặng nề vì sự suy yếu của nền kinh tế. Nay có thể càng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi nhiều tài sản đảm bảo bị tàn phá, tình hình thu hồi nợ sẽ gặp nhiều trở ngại”.
Rủi ro nợ xấu gia tăng
Liên quan đến rủi ro về nợ xấu, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giám Đốc chương trình Đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán của Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho rằng: Những ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 (bão Yagi) cho thấy chúng ta cần phải quan tâm đến biến đổi khí hậu và những rủi ro của nó.
Khi cơn bão đi qua, nhà cửa, hàng tồn kho, các nhà máy bị ảnh hưởng và nó ảnh hưởng trực tiếp lên bản thân doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp mất tiền, mất tài sản và các tài sản đó cũng đang được thế chấp ở ngân hàng, tức là bảng cân đối của doanh nghiệp và bảng cân đối của ngân hàng đồng loạt giảm đi.
“Khi các ngân hàng nhận ra doanh nghiệp có rủi ro về nợ xấu, phản ứng đầu tiên là họ giảm hạn mức cho vay, hoặc bổ sung tài sản thế chấp, tăng lãi suất cho vay... Đây là một câu chuyện rủi ro và lợi ích chia sẻ.
Nếu các ngân hàng đều hành động như vậy, thì tìm đâu ra nguồn vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong trường hợp họ gặp rủi ro biến đổi khí hậu? Tìm đâu ra nguồn vốn để giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Đây là một thách thức của doanh nghiệp”, TS Hồ Quốc Tuấn đặt câu hỏi.
Tính tới cuối quý 2 năm nay, tỉ lệ nợ xấu bình quân của các ngân hàng đạt 1,98%, tăng so với 1,76% cuối năm ngoái.
Cộng thêm với việc nhiều khách hàng đang bị thiệt nặng nề do cơn bão số 3, và Thông tư 02/2023 của NHNN quy định về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ kết thúc vào cuối năm nay, nhiều khả năng nợ xấu của ngành ngân hàng có nguy cơ dâng cao.
NHNN đang tiến hành lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3. Trong đó, NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Điều này sẽ tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp có thêm thời gian khôi phục dòng tiền kinh doanh. Qua đó, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và giảm khả năng hình thành nợ xấu trong tương lai.