Lợi nhuận CII vẫn tăng trưởng dù doanh thu giảm, lỗ 20% với HUT

Doanh thu sụt giảm nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh nên CII vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đóng góp lợi nhuận lớn cho CII.

BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đóng góp lợi nhuận lớn cho CII.

CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (mã CII) là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Theo đó, công ty mang về doanh thu 699 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn hàng bán giảm mạnh 55% nên lãi gộp của CII đã tăng gấp đôi lên mức 413 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tương ứng tăng từ 24% của quý 2/2023 lên 59%.

Doanh thu tài chính giảm gần 50% về mức 234 tỷ đồng. Cùng chiều, chi phí tài chính cũng giảm 20% về mức 364 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm 293 tỷ đồng, giảm 20%. Chi phí bán hàng gần như tương đương cùng kỳ (ở mức 17 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng nhẹ lên 117 tỷ đồng.

Kết quả, CII lãi sau thuế 129 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng (lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ) giảm 59% khi đạt gần 15 tỷ đồng, phần lợi nhuận sau thuế của các cổ đông không kiểm soát chiếm tỷ trọng lớn với hơn 114 tỷ đồng.

Theo lý giải của CII, lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng mạnh dù doanh thu giảm chủ yếu do tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động của BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trở thành công ty con của CII từ quý 4/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.577 tỷ đồng và lãi sau thuế 452 tỷ đồng, giảm nhẹ ở chỉ tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận tăng gấp 3,8 lần. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 274 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ.

Năm nay, CII đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.194 tỷ đồng và lãi ròng sau thuế của cổ đông công ty mẹ 430 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và tăng 10% so với năm ngoái. Như vậy sau nửa năm, CII mới hoàn thành 38% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã đạt gần 64% kế hoạch lợi nhuận ròng đề ra.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của CII ở mức 35.673 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi ngân hàng khoảng gần 1.300 tỷ đồng. Công ty còn có hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, gồm 616 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Đầu tư Sài Gòn River Front và 390 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Tasco (mã HUT). Trong đó, khoản đầu tư vào HUT tạm lỗ 81 tỷ đồng, tương ứng mức âm 20%.

Hàng tồn kho của công ty tăng mạnh lên gần 2.252 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với đầu năm, chủ yếu nằm ở các bất động sản dở dang. Mức tăng ghi nhận ở dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư Delagi (1.039 tỷ đồng) và dự án khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (612 tỷ đồng).

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của CII ở mức 26.332 tỷ đồng gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm 19.600 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn với 14.869 tỷ đồng từ các ngân hàng và nợ vay trái phiếu. Nửa đầu năm nay, công ty phải trả gần 982 tỷ đồng lãi vay và hơn 4.530 tỷ đồng nợ gốc.

Công ty thu từ đi vay và hợp tác đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng nên lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính dương 1.176 tỷ đồng.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/loi-nhuan-cii-van-tang-truong-du-doanh-thu-giam-lo-20-voi-hut-30915.html
Zalo