Lời khuyên của Phần Lan cho Ukraine từ 'kinh nghiệm xương máu'
Với 'kinh nghiệm xương máu' từ cuộc chiến Phần Lan-Liên Xô, Helsinki cảnh báo Ukraine không nên chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào buộc họ phải gác lại nguyện vọng gia nhập NATO.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ bước vào năm thứ tư vào ngày 24/2 tới, chỉ một tháng sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng với cam kết nhanh chóng chấm dứt thù địch giữa Moscow và Kiev.
Những suy đoán về các cuộc đàm phán khiến người ta nhớ tới thỏa thuận được ký kết sau cuộc chiến của Liên Xô - Phần Lan (1939-1940). Nhiều người đặt câu hỏi, liệu thỏa thuận được ký kết sau cuộc chiến mùa đông 85 năm trước có thể trở thành mô hình để chấm dứt xung đột ở Ukraine hiện nay hay không?
Helsinki đã cảnh báo Kiev không nên đi theo con đường giống như thỏa thuận đạt được sau Chiến tranh mùa đông năm 1939 giữa Phần Lan và Liên Xô trước đây.
Hiệp ước Phần Lan - Liên Xô năm 1948 cho phép Phần Lan duy trì độc lập nhưng phải đổi lại Phần Lan phải trở thành một quốc gia phi quân sự, giữ trung lập và điều chỉnh các quyết định chính sách đối ngoại phù hợp với Moscow.
Các chuyên gia Phần Lan cho rằng việc áp dụng một mô hình tương tự như vậy với Ukraine là “vô giá trị” và sẽ chỉ đem lại lợi ích cho Nga.
Điểm chung của 2 cuộc xung đột cách nhau hơn 8 thập kỷ
Cuộc chiến của Liên Xô ở Phần Lan năm 1939 và xung đột Nga-Ukraine năm 2022 đều xảy ra sau các cuộc đàm phán thất bại và Moscow có lợi thế vượt trội hơn đối phương về trang bị với kỳ vọng sẽ chiến thắng dễ dàng.
Pekka Kallioniemi, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tampere ở Phần Lan nói rằng, cả nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin khi đó và Tổng thống Nga Putin hiện nay đều cho rằng cuộc chiến sẽ kết thúc chỉ sau vài ngày.
“Chiến lược của Moscow là cuộc chiến sẽ kết thúc trong khoảng 3 tuần và chiến thắng đó sẽ như một “món quà sinh nhật” cho nhà lãnh đạo Stalin vào ngày 21/12”, ông Kallioniemi nói về cuộc chiến bắt đầu vào ngày 30/11/1939.
Năm 1939, lý do Moscow nêu ra khi tiến hành cuộc chiến ở Phần Lan – quốc gia từng là một phần của Đế quốc Nga cho đến năm 1917, là vì lý do an ninh.
“Ông Stalin đã cáo buộc lãnh đạo Phần Lan là phát xít, và mục tiêu của cuộc chiến khi đó là tạo ra một vùng đệm giữa Đức và Liên Xô”, ông Kallioniemi nói.
Năm 2022, Nga cũng tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine để tìm cách “phi phát xít hóa” và “phi quân sự hóa” quốc gia láng giềng.
Lời khuyên của của Phần Lan từ “kinh nghiệm xương máu”
Trong cuộc chiến tranh mùa đông, Liên Xô cuối cùng đã đạt được mục tiêu của mình. “Kinh nghiệm xương máu” này đã khiến Helsinki cảnh báo Kiev không nên đồng ý với bất kỳ yêu cầu nào buộc họ phải gác lại nguyện vọng gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho rằng, việc ép buộc Ukraine trung lập sẽ không mang lại giải pháp hòa bình.
“Chúng ta phải đối mặt với sự thật, Ukraine đã trung lập trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt”, ông Valtonen nói với Reuters vào tháng 11/2024.
“‘Phần Lan hóa’ Ukraine là mô hình vô giá trị. Đề xuất một mô hình như vậy cho Ukraine sẽ chỉ đem lại lợi ích cho Nga. Chúng ta đang sống trong một thời đại rất khác, và hoàn cảnh hoàn toàn khác. Đối với Phần Lan, đó là một cuộc chơi sinh tử. Nó được coi là một điều cay đắng tạm thời khi phải cân bằng giữa phương Tây và Liên Xô”, Sari Arho Havrén, học giả thỉnh giảng tại Đại học Helsinki và cộng tác viên tại Viện RUSI có trụ sở ở Anh, bình luận.
Sau hàng thập kỷ trung lập và sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Phần Lan cuối cùng đã gia nhập NATO vào tháng 4/2023. Nhưng bà Havrén cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào theo mô hình Phần Lan cũng đều “che giấu ý tưởng rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO” mặc dù Kiev đã theo đuổi mục tiêu này trong suốt 2 thập kỷ qua.
“Theo một góc độ nào đó, mô hình Phần Lan là điều đã được thử nghiệm ở Ukraine từ năm 1991 đến 2014. Cho đến trước năm 2022, Nga vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với Ukraine, có thể còn lớn hơn cả ảnh hưởng của Liên Xô đối với Phần Lan trước đây”, giáo sư Konstantin Sonin tại Trường Chính sách Công Harris thuộc Đại học Chicago (Mỹ) nói với Newsweek.
Hy vọng của Ukraine
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhiều lần nhấn mạnh, sẽ không có cuộc đàm phán nào với Ukraine nếu Kiev không chấp nhận thực tế về lãnh thổ.
Theo ông Lavrov, Moscow “không hài lòng” với quan điểm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc đóng băng các hành động thù địch và “chuyển giao trách nhiệm tiếp theo cho các nước châu Âu trong việc đối phó với Nga”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna bày tỏ hy vọng Tổng thống sắp tới của Mỹ có thể tạo ra sự khác biệt. Ông nói với tờ Telegraph của Anh rằng, ông Trump có thể “trở thành Churchill trong của thời đại chúng ta” bằng cách đưa ra một lệnh ngừng bắn “dài lâu”.
Trong một phát biểu đêm 31/12/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ lạc quan khi nói rằng hòa bình “sẽ không được trao tặng cho chúng ta như một món quà” và rằng ông Trump “muốn và sẽ có thể mang lại hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine”.
Năm 2024 khép lại với nhiều khó khăn cho Ukraine khi các lực lượng Nga tăng tốc tấn công ở mặt trận phía Đông. Dù vậy, ông Zelensky nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt xung đột cũng cần phải bao gồm cam kết bảo đảm an ninh từ phương Tây và lời mời Kiev gia nhập NATO - điều mà Nga ngay lập tức tuyên bố sẽ không chấp nhận.
“Tôi nghĩ rằng lúc này mọi người đã sẵn sàng cho phương án Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ, nhưng chúng tôi sẽ không nhượng bộ nếu không có một thỏa thuận bảo đảm an ninh nghiêm túc”, ông Yuriy Boyechko, Giám đốc điều hành và người sáng lập tổ chức từ thiện Hope for Ukraine, nói với Newsweek.
“Dù thế nào đi nữa, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng sẽ phải công khai bất kỳ thỏa thuận nào với người dân Ukraine. Cho dù ông Zelensky nói gì, bất kỳ hiệp ước hòa bình nào cũng sẽ phải được công khai và đưa ra trưng cầu ý dân. Người dân Ukraine sẽ đưa ra quyết định”, ông Boyechko cho hay.