Lời kêu gọi châu Âu đoàn kết trước thách thức thuế quan

Sự đoàn kết của châu Âu đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực giải quyết những thách thức kinh tế, từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, nợ công gia tăng, cho đến ảnh hưởng ngày càng mở rộng của các công ty công nghệ lớn.

Hội nghị “Quản lý châu Âu và Italia trong thời đại Donald Trump” có sự tham gia của các cựu Thủ tướng Italia Mario Monti và Giuliano Amato, Bộ trưởng Tài chính Italia Giancarlo Giorgetti, cùng Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Raffaele Fitto, Tân Hoa xã đưa tin hôm nay (26-3).

Ông Mario Monti đánh giá rằng những biến động kinh tế hiện nay không phải là lần duy nhất châu Âu đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng. Cựu Thủ tướng Italia giai đoạn 2011-2013, cũng là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu, kêu gọi các quốc gia châu lục này cùng phối hợp hành động để ứng phó với những khó khăn.

Ngày 12-3, tức 1 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào thị trường quốc gia này. Một đợt áp thuế khác dự kiến có hiệu lực vào ngày 2-4 mặc dù những thông tin chi tiết vẫn chưa rõ ràng.

Châu Âu cần đẩy mạnh đoàn kết để ứng phó với những biến động kinh tế liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: Tân Hoa xã

Châu Âu cần đẩy mạnh đoàn kết để ứng phó với những biến động kinh tế liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: Tân Hoa xã

Sau động thái mạnh tay của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) ban đầu đã lên kế hoạch áp thuế trả đũa vào ngày 1-4. Tuy nhiên, ý tưởng này đã được hoãn lại trong ít nhất 2 tuần sau cuộc họp của Hội đồng châu Âu để các bên liên quan có thêm thời gian đàm phán.

Bên lề hội nghị, Giáo sư Kinh tế Pietro Reichlin nhận định rằng những chính sách thuế quan khó lường của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang làm phức tạp thêm các chiến lược ứng phó của EU.

Giáo sư đến từ trường đại học tư thục hàng đầu Italia LUISS cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hiểu rõ những mục tiêu thương mại của Mỹ để EU có thể đạt được thỏa thuận. Thặng dư hàng hóa của khối này với Mỹ và thế mạnh của xứ Cờ hoa trong các lĩnh vực dịch vụ và năng lượng là những điểm đàm phán tiềm năng.

Số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 11-3 cho thấy, trong năm 2024, EU đã xuất khẩu 531,6 tỷ euro hàng hóa sang thị trường Mỹ và nhập khẩu 333,4 tỷ euro, dẫn đến thặng dư thương mại giữa hai bên lên mức kỷ lục 198,2 tỷ euro. So với năm 2023, xuất khẩu tăng 5,5%, trong khi nhập khẩu giảm 4 %.

Bộ trưởng Tài chính Giancarlo Giorgetti cảnh báo, nợ công gia tăng và ảnh hưởng ngày càng mở rộng của những công ty công nghệ lớn, đặc biệt là những “gã khổng lồ” của Mỹ như Google và các công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI), đang ngày càng hạn chế những lựa chọn của giới hoạch định chính sách.

Theo Eurostat, nợ công trung bình của EU chiếm 81,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở cuối quý III-2024 trong khi khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) ghi nhận tỷ lệ trung bình là 88,1%. Tỷ lệ nợ trên GDP của Italia ở mức 136,3%, chỉ sau Hy Lạp.

Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, hội nghị đã nhấn mạnh nhu cầu về sự gắn kết lớn hơn tại châu Âu để giải quyết những áp lực thương mại bên ngoài và các tranh chấp nội bộ.

Cựu Thủ tướng Italia Giuliano Amato khẳng định, sự hợp tác thay vì xung đột sẽ là yếu tố thúc đẩy thịnh vượng tại châu lục này.

(Theo Tân Hoa xã, European Commission)

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/loi-keu-goi-chau-au-doan-ket-truoc-thach-thuc-thue-quan-696957.html
Zalo